Hướng đến một môi trường kinh doanh lành mạnh

(VOH) - Tại buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp vào tháng 4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp "Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế" và đã được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh. Và trong những lần họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng cũng đã nhiều lần nhắc đến vấn đề này. Điều này có thể thấy, chống hình sự hóa các quan hệ kinh tế là một thông điệp cực kỳ quan trọng. Thế nhưng, mới đây vụ người bán điện thoại cũ ở quận 10 chút nữa bị khởi tố tại thành phố Hồ Chí Minh thì có thể thấy rằng, cần có sự nỗ lực nhiều hơn từ phía cơ quan chức năng trong quá trình đưa chủ trương thành hiện thực.

Chống hình sự hóa các quan hệ kinh tế, về bản chất, là bảo vệ tự do kinh doanh. Khi mà quyền lợi của người dân, quyền kinh doanh của doanh nghiệp không được đảm bảo thì đó là biểu hiện của một môi trường kinh doanh không bình đẳng. Điều này sẽ gây mất lòng tin của người dân, doanh nghiệp, và người dân sẽ không yên tâm để kinh doanh lâu dài.

Hệ lụy của việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế sẽ làm cho uy tín của người dân và doanh nghiệp bị giảm sút, thậm chí là phá sản. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, nếu thực trạng hình sự hóa không được khắc phục, thì trong con mắt các nhà đầu tư quốc tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ dễ bị đánh giá là thiếu an toàn và minh bạch.

Quyền tự do kinh doanh lần đầu tiên được ghi nhận chính thức tại điều 57, Hiến pháp 1992. Kế thừa tinh thần đó, điều 33 Hiến pháp 2013 khẳng định người dân có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Cụ thể hóa, Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 khẳng định doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Điều đó thật dễ hiểu và dễ thực thi. 

Vụ người bán điện thoại di động cũ mới đây, một điều tra viên công an quận 10 cũng bị tạm đình chỉ công tác (Ảnh: Vnexpress)

Vụ việc quán cà phê Xin Chào gây bức xúc trong dư luận mới khép lại cách đây không lâu, thì nay lại là câu chuyện của những chiếc điện thoại cùi bắp. Hai câu chuyện, khiến dư luận đặt câu hỏi về sự minh bạch, công khai và thậm chí là cả năng lực nghiệp vụ của lực lượng chức năng, khi thực thi nhiệm vụ.

Phải chăng đâu đó vẫn còn tình trạng lạm quyền của cơ quan thực thi chính sách. Nhiều cá nhân liên quan trong 2 vụ việc này đã bị xử lý, trong vụ quán cà phê Xin Chào, cách chức nguyên Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện và 1 kiểm sát viên liên quan. Trước đó, nguyên Trưởng công an huyện cũng bị tạm đình chỉ công tác.

Còn trong vụ người bán điện thoại di động cũ mới đây, một điều tra viên công an quận 10 cũng bị tạm đình chỉ công tác. Để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp thì rất cần có sự vào cuộc trách nhiệm hơn từ phía các cơ quan liên quan từ trung ương đến địa phương.

Hai vụ việc đều xảy ra ở trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, tuy chỉ là những vụ việc được xem là nhỏ nhưng ngay lập tức đã có sự chỉ đạo yêu cầu làm rõ những sai phạm liên quan từ phía người đứng đầu Chính phủ. Lãnh đạo thành phố cũng đã nhiều lần khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để người dân và doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư trong khuôn khổ của pháp luật. 

Quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ không chỉ là quan tâm đến những vướng mắc đã và đang gây ra những thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp mà nó còn thể hiện sự quyết tâm tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, nhất là chúng ta đang tạo ra một làn sóng khởi nghiệp mới. Từ các vụ việc vừa nêu, tin là những việc tương tự sẽ được hạn chế và đi đến chấm dứt trong xu thế lành mạnh hóa các hoạt động kinh tế- xã hội trên phạm vi cả nước.