Khách hàng mất 26 tỷ và “lỗ hổng” quản trị tại ngân hàng

(VOH) - Thông tin Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân (trụ sở ở Củ Chi, TPHCM) bỗng dưng mất 26 tỷ đồng trong tài khoản VPBank đang thu hút sự quan tâm của dư luận và đặt ra nhiều câu hỏi về tính bảo mật, an toàn tiền gửi và công tác quản trị tại các ngân hàng.

Ngày 19/10/2015, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nhận được đơn tố cáo của cá nhân bà Trần Thị Thanh Xuân liên quan đến các vấn đề mở, sử dụng tài khoản của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Quang Huân (Công ty Quang Huân).

Nội dung tố cáo cho rằng ông Phạm Văn Trinh (kế toán Công ty Quang Huân) và một số cán bộ, nhân viên của VPBank câu kết, thông đồng làm thiệt hại cho Công ty này.

Ngày 28/3/2015, VPBank đã mở tài khoản thanh toán cho công ty Quang Huân trên cơ sở Đơn mở tài khoản, mẫu dấu, chữ ký của Chủ tài khoản và các hồ sơ, tài liệu kèm theo của Công ty Quang Huân gửi tới VPBank.

Sau khi mở tài khoản trên, Công ty Quang Huân đã sử dụng số tài khoản này để thực hiện giao dịch, bao gồm giao dịch do đối tác chuyển tiền đến, giao dịch chuyển tiền thanh toán cho đối tác.

VPBank cho biết, qua kiểm tra, đối chiếu các chứng từ giao dịch tài khoản của công ty này, nhận thấy các chứng từ chuyển khoản, rút tiền, mua séc... đều được thực hiện ký, đóng dấu bởi đại diện theo pháp luật của Công ty Quang Huân với chữ ký, con dấu khớp đúng với chữ ký, con dấu được đăng ký mẫu với VPBank tại đơn đăng ký mở tài khoản của Công ty Quang Huân. Do vậy, mọi giao dịch được xem là bình thường.

Tuy nhiên, theo tố cáo của bà Trần Thị Thanh Xuân, đã có sự cấu kết và tiếp tay giữa nhân viên VPBank và những đối tượng khác nhằm đánh cắp tiền từ tài khoản của bà. Ở đây, nếu có chuyện tiếp tay cho nhân viên làm sai, cơ quan chức năng cũng phải làm rõ trách nhiệm của VPBank vì vụ việc liên quan đến hàng chục tỷ đồng của khách hàng và có thể ảnh hưởng đến rất nhiều khách hàng khác đang gửi tiền tại ngân hàng này.

Và điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm là tại sao một nhân viên của VPBank lại có thể thao túng hồ sơ, giấy tờ khiến hàng chục tỷ đồng của khách hàng bốc hơi mà chính ngân hàng không biết?

Vấn đề đặt ra ở đây là, quy trình kiểm tra, kiểm soát của VPBank ra sao? Liệu công tác tiền gửi của khách hàng tại VPBank có an toàn?...

Về thắc mắc của khách hàng xung quanh việc đăng ký thông báo giao dịch Mobile banking vào số điện thoại cá nhân, nhưng tài khoản bị rút tiền mà khách hàng không được báo.

Ở đây lại xuất hiện kẽ hở từ phía công ty, nếu 1- 2 giao dịch mà không nhận được tin nhắn thì chủ tài khoản phải ngay lập tức liên hệ với ngân hàng để kiểm tra chứ không thể để trong thời gian dài.

Số tiền lớn đã mất, ngân hàng cho rằng làm đúng quy trình và dù khách hàng đã nộp đơn tố cáo gần 1 năm nhưng vụ việc vẫn chưa được xử lý. Trong vụ việc lần này, VPBank là thủ phạm hay nạn nhân? Nếu là nạn nhân, VPBank càng phải tích cực phối hợp để tìm ra lỗ hổng, chứ không thể để vụ việc kéo dài... Và nói gì thì nói, số tiền 26 tỷ bị thất thoát kia phải được làm rõ và xử lý.

Hiện nay vụ việc đã được chuyển sang cơ quan điều tra và Ngân hàng VPBank phải có nhiệm vụ phối hợp, cung cấp toàn bộ thông tin vụ việc để nhanh chóng làm rõ nguyên nhân.

Ủy ban nhân dân TPHCM cũng đã nhanh chóng chỉ đạo công an thành phố triển khai nắm tình hình, xử lý nghiêm vụ việc. Đồng thời giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố phối hợp, hỗ trợ công an giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan đến VPBank, kịp thời báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân thành phố những vấn đề vượt thẩm quyền để phối hợp chỉ đạo xử lý.