Khai thác nước ngầm tại KCN-KCX cơ chế quản lý chưa chặt

(VOH) - Báo cáo của Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp thành phố về tình hình khai thác nước ngầm tại 15 khu công nghiệp, khu chế xuất cho thấy đã có nhiều tác động đến môi trường như: không kiểm soát được lượng nước thải ra môi trường và một tác động rõ nhất là gây sụt lún nền đất…
Trụ giếng khoan khai thác nước ngầm trong KCN Tân Tạo, quận Bình Tân (Ảnh do Trung tâm Địa tin học – ĐHQG TP HCM cung cấp/NLĐ)

Tại khu công nghiệp Tân Tạo, mức độ đo đạc cho thấy đa số diện tích đất lún ở mức 0,6 m, có nơi lún hơn 1 m; khu công nghiệp Lê Minh Xuân lún ở mức dao động từ 0,3 đến 0,5 m. Theo dự báo nếu tiếp tục khai thác nguồn nước ngầm thì tốc độ lún đất và tác động đến môi trường càng cao hơn và khả năng cạn kiệt ô nhiễm nguồn nước ngầm là không tránh khỏi.

Theo quy hoạch của thành phố, việc phát triển sử dụng nước ngầm từ nay đến 2015 sẽ giảm xuống còn khoảng 400.000 m3 (hiện tại 600.000 m3) và đến 2025 sẽ còn 100.000 m3, tiến tới hạn chế sử dụng nước ngầm tại các KCX- KCN chuyển sang sử dụng nguồn nước do tổng công ty cấp nước Sài Gòn cung cấp. Trong thực tế, mặc dù không được phép song các doanh nghiệp vẫn khai thác một cách lén lút nước ngầm để phục vụ cho nhu cầu của sản xuất, trong khi đó cơ quan quản lý thì không thể kiểm soát. Theo ông Nguyễn Thanh Trí - Phó tổng giám đốc Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, tổng lưu lượng nước tại khu ở mức 7.200 đến 8.700 m3/ngày. Trong đó nước ngầm chiếm khoảng 6.000 đến 7.500 m3/ngày, doanh nghiệp tự khai thác chiếm khoảng 2.500 m3/ ngày. Trong tổng số 11 doanh nghiệp khai thác nước chỉ có 3 doanh nghiệp được cấp phép, việc kiểm tra cũng rất khó do không đủ thẩm quyền, hơn nữa để đối phó với việc kiểm tra doanh nghiệp thường dấu các máy bơm nên rất khó phát hiện. Ông Trí cho hay: "Khi có sự phối hợp của Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp thành phố (Hepza) thì Ban quản lý khu công nghiệp mới vào được chứ bình thường cũng khó vào các doanh nghiệp để kiểm tra".

Ông Thái Văn Mến - Tổng giám đốc Khu công nghiệp Tân Tạo cho biết, do đặc thù những ngày đầu thành lập nên Sở Tài Nguyên Môi Trường thành phố cấp phép cho doanh nghiệp khai thác nước ngầm, nhưng hiện nay việc đảm bảo cấp nước cho hoạt động sản xuất của khu đã ổn định nên chủ trương là không cho doanh nghiệp tự ý khai thác nước ngầm nữa, tuy nhiên vẫn có nhiều đơn vị khai thác. Trong khi đó đó ban quản lý không thể kiểm tra được và chỉ có thể phát hiện nhờ vào lưu lượng nước xả thải. ông Mến chia sẻ: "Riêng các doanh nghiệp tự khai thác thì ban quản lý cũng không phát hiện được, đôi lúc ban quản lý cũng gửi văn bản đề nghị dn báo cáo thì mới nắm được con số cụ thể, còn những doanh nghiệp khai thác lén lút thì chắc chắn không báo cáo nên không nắm rõ con số".

Quan điểm chung của các doanh nghiệp là “Khi vào KCN đầu tư họ buộc phải xây dựng hệ thống cấp và xử lý nước, khi nào KCN lấp đầy hơn 50% thì cơ quan quản lý KCN mới được phép xây dựng cụm cấp nước và buộc doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nước do cơ quan quản lý cấp” đó là một nghịch lý. Ông Nguyễn Văn Ngà - Trưởng Phòng quản lý Nước và Khoáng sản - Sở Tài nguyên Môi trường băn khoăn: "Khi chúng tôi mời tất cả các doanh nghiệp mà đang khai thác nước ngầm ở các khu công nghiệp lên thì rất căng thẳng. Bởi do lịch sử phát triển, trước đó thì KCN chưa có, sau đó doanh nghiệp đầu tư hàng tỉ đồng mà bây giờ bắt ngưng sử dụng vậy ban quản lý KCN có đền bù cho doanh nghiệp hay không? Đó chính là vấn đề quản lý trong hoạt động công nghiệp".

Trong nhiều văn bản kiến nghị, Ban quản lý KCX - KCN TP cũng nêu rõ cần có sự phối hợp kiểm tra giữa các ngành liên quan nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Có trường hợp Ban quản lý phát hiện nhiều doanh nghiệp sai phạm quy định về môi trường, về xả thải… nhưng vẫn được cấp phép khai thác thêm nguồn nước ngầm do Sở Tài nguyên Môi trường TP cấp, mặc dù khu công nghiệp đảm bảo cung ứng đủ nguồn nước cho doanh nghiệp sản xuất. Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh - Phó Ban quản lý KCX- KCN TP nói: "Khi cấp phép nước thì đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường, UBND Quận, Huyện nên tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý để nắm được tình hình thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và tham khảo ý kiến của khu công nghiệp để biết rõ rằng trong khu vực này khu công nghiệp có khả năng cung ứng nước đầy đủ hay không".

Mặc dù quy định đã rõ, song do cơ chế quản lý nguồn nước ngầm giữa các cơ quan ban ngành chưa thực sự chặt chẽ nên tình trạng khai thác vẫn còn tiếp diễn. Mặt khác, do chủ trương về giá nước, chi phí tháo dỡ hệ thống nước ngầm, quy định lỏng lẻo… khiến cho một số doanh nghiệp vẫn ngang nhiên khai thác. Để khắc phục vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP, đề nghị: "Tôi đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường thành phố phối hợp cùng các ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp rà soát lại việc khai thác nước ngầm để có bức tranh tổng thể tham mưu cho ủy ban, bên cạnh đó, Sawaco cũng phải cam kết cung cấp nước đầy đủ cho các đơn vị này mặc dù tình hình vẫn còn khó khăn".

Và theo lộ trình của thành phố về hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm, đại diện Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), ông Võ Quang Châu - Phó tổng giám đốc khẳng định: Tổng công ty đảm bảo cung ứng lưu lượng, áp lực nước cho các khu chế xuất - khu công nghiệp thành phố, hiện tại giá nước vẫn theo quy định của thành phố nhưng trong thời gian tới sẽ có những giải pháp ưu đãi cho doanh nghiệp.

Bình luận