Những tranh cãi giữa Malta với Italia hay giữa Italia với Pháp về trách nhiệm đối với tàu Aquarius đã hé mở một câu chuyện khác lớn hơn, đó là sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước châu Âu trong chính sách đối với người nhập cư. Sau một thời gian dài yên ắng, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và bài châu Âu ở một số quốc gia một lần nữa khiến khủng hoảng di cư thêm nghiêm trọng. Và do đó, việc tìm kiếm sự đồng thuận trong EU càng trở thành một bài toán khó đối với khối này
Hôm 9/6, tàu Aquarius của Pháp đã cứu 629 người di cư trái phép tại vùng biển Trung Địa Trung Hải. Trong số này có 123 trẻ em không có người thân đi cùng và 7 phụ nữ mang thai.
Tuy nhiên, cả Malta và Italia đều từ chối mở cảng cho tàu cứu hộ này, khiến con tàu chở 629 người di cư phải neo đậu ở vùng biển giữa Malta và đảo Sicily của Italia. Về phần mình, giới chức Man-ta nói rằng họ không có nghĩa vụ pháp lý phải tiếp nhận những người di cư này. Đến ngày 17/6, tàu Aquarius đã cập cảng Valencia của Tây Ban Nha, chấm dứt chuyến hành trình 9 ngày lênh đênh trên biển.
Hình: internet
Việc Italia quyết định từ chối tiếp nhận hơn 600 người di cư từ tàu cứu hộ Aquarius đã làm bùng phát mâu thuẫn giữa Italia và Pháp khi Tổng thống Pháp Ma-crông cáo buộc Italia "vô trách nhiệm". Đáp lại chỉ trích gay gắt này, Bộ Ngoại giao Italia đã triệu Đại sứ Pháp tại Italia tới để phản đối. Ngay lập tức, Các nhà lãnh đạo EU đã phải gọi tình hình hiện nay là “khẩn cấp”. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tái khẳng định sự cần thiết phải có một giải pháp ở cấp độ toàn châu Âu cho vấn đề người di cư. Dự kiến chính sách chung về tiếp nhận người di cư sẽ trở thành chủ đề “nóng” tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu vào ngày 28-29/6 tới.
Theo giới phân tích, bất đồng giữa Italia và Malta xung quanh việc tiếp nhận người di cư là biểu hiện rõ nét nhất cho những mâu thuẫn hiện nay của nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu, đặc biệt là các quốc gia ở “cửa ngõ” Địa Trung Hải. Thủ tướng Đức Angela Merkel từng thừa nhận Liên minh châu Âu đang trên bờ vực chia rẽ sâu sắc liên quan đến vấn đề người di cư. Thế nhưng, việc tìm kiếm giải pháp như vậy hiện giờ không đơn giản khi xu hướng dân túy và bài châu Âu đang gia tăng ở nhiều quốc gia, ngay cả với quốc gia đi đầu là Đức.
Trên thực tế, Liên minh châu Âu đã áp dụng cơ chế phân bổ hạn ngạch người nhập cư cho các thành viên, song nhiều nước thành viên EU chưa thực hiện hết yêu cầu, hoặc một số từ chối nhận thêm người di cư; còn các nước ở “tuyến ngoài” lại quá tải vì số người tị nạn mắc kẹt tại đây chưa được giải quyết, trong khi những người di cư mới vẫn không ngừng đổ về. Dù hơn 620 người nhập cư trên con tàu Aquarius đã cập cảng Valencia của Tây Ban Nha, song nó tiếp tục gây ra một cuộc tranh cãi gay gắt ở châu Âu liên quan tới cách thức xử lý vấn đề: Pháp đồng ý tiếp nhận người di cư, một số khu vực và thành phố của Tây Ban Nha cũng đề nghị được tiếp nhận thêm người di cư. Trong khi đó, Áo, Đức vẫn tranh luận gay gắt về vấn đề này. Italia thì kịch liệt phản đối, với lý do nước này từng nhiều lần phải một mình giải quyết “hứng chịu” dòng người di cư đổ về. Quan điểm của Italia không phải không có lý nếu nhìn lại thực tế rằng, nước này đã tiếp nhận tời 700.000 người tị nạn từ Libya qua Địa Trung Hải đến châu Âu kể từ năm 2013. Ngoài ra, quốc gia cửa ngõ như Hy Lạp cũng đang đối mặt áp lực tương tự. Tuy vậy, các nước thành viên EU thay vì chia sẻ trách nhiệm này, lại thường đưa ra những chỉ trích nặng nề với công tác cứu hộ và tiếp nhận ở những quốc gia “tuyến đầu” tiếp nhận người nhập cư.
Giới quan sát cho rằng, việc từ chối tiếp nhận tàu cứu hộ Aquarius cho thấy Italia đang gửi thông điệp cứng rắn về quan điểm đối phó cuộc khủng hoảng di cư đến giới chức Liên minh châu Âu. Sự việc diễn ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu vào ngày 28 và 29/6, và sự cứng rắn của Italia cho thấy chính phủ dân túy ở nước này sẽ khó chấp nhận bất cứ sự nhượng bộ nào về chính sách di dân trong hội nghị sắp tới.
Hiện, Thủ tướng Italia vẫn nêu rõ các nước EU phải tuân thủ yêu cầu cải cách Hiệp ước Dublin, theo đó một người đã xin tị nạn tại một quốc gia EU phải ở lại quốc gia đó. Chính phủ Italia từng nhiều lần tuyên bố nước này sẽ không còn là "trại tị nạn của châu Âu" và kêu gọi phân phối bắt buộc người tị nạn tới Italia cho các quốc gia khác. Tuy nhiên, đề xuất của Italia bị các quốc gia EU như Ba Lan, Hungary, Slovakia và CH Séc từ chối. Các quốc gia này đã áp dụng nhiều biện pháp để tiếp tục chặn biên giới ngoài EU, ngăn chặn sự xâm nhập của người tị nạn hoặc người di cư.
Trên thực tế, trong gần 3 năm qua kể từ khi cuộc khủng hoảng người di cư bùng phát ở châu Âu hồi năm 2015, EU đã đàm phán để tìm kiếm một chính sách tị nạn chung, song vẫn không tìm được tiếng nói chung. Liệu những bất đồng sâu sắc vốn đã chia rẽ các thành viên EU trong suốt những năm qua liệu có thể được hóa giải hay lại một lần nữa lại có thêm bất đồng? Câu trả lời có thể sẽ phải đợi tới cuối tháng này khi Hội nghị thượng đỉnh EU kết thúc./.