Lại bàn về Giải thưởng Hội nhà văn TPHCM

(VOH) - Và cuối cùng Giải thưởng văn học của Hội nhà văn TPHCM 2011 cũng đã được công bố: Không có giải thưởng cho thể loại thơ, văn, dịch thuật và lí luận phê bình (!).

Nhìn vào giải thưởng của Hội năm nay, thật quá èo uột và nghèo nàn. Chỉ có 2 tặng thưởng cho tập thơ Ăn xà bông của Phan Trung Thành và Những câu thơ ngoái lại của Lương Hữu Quang; cùng giải thưởng lần đầu tiên được trao: giải nhà văn trẻ dành cho tác giả Trần Minh Hợp. Dẫu biết rằng văn chương không thể so sánh năm này với năm khác, không thể bắt buộc năm nay phải có bằng số lượng giải thưởng hoặc hơn các năm trước.

 
Tập thơ Ăn xà bông của Phan Trung Thành (ảnh: nxbhoinhavan)

Song, nếu nhìn vào giải thưởng của Hội chuyên ngành văn học ở một thành phố lớn nhất nước là một trung tâm sôi động về mọi mặt, vậy mà, năm nay chỉ có bấy nhiêu đó tác phẩm có giải thì hỏi làm sao công chúng không lo lắng, băn khoăn. Phải chăng thành phố nhộn nhịp này đã không còn ai mặn mà với văn chương ? Chắc hẳn không! Truyện dài Lá nằm trong lá của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã tái bản ngay sau khi xuất bản, lượng tiêu thụ 23.000 bản. 11.000 cuốn bán ra thị trường của tập Trả lại nụ hôn của nhà văn Dương Thụy là những con số đáng kể, điều đó cũng phần nào nói lên thước đo thị hiếu độc giả, chất lượng tác phẩm nói riêng và nhịp sống văn học nói chung còn sôi động lắm ở thành phố thân yêu này. Ngoài ra, cũng có thể kể đến tập Lên núi thả mây của nhà văn Lê Văn Thảo, tiểu thuyết Xuyên thấm của Phan Hồn Nhiên, hay những lý luận sắc bén trong tập Thi ca nết đất của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn … đã rất được công chúng quan tâm trong thời gian qua, cũng không thấy trong danh sách giải thưởng năm nay. Theo ông Lê Quang Trang, giải thưởng của Hội phải dựa vào những tiêu chí xét giải nhất định, trong đó có yêu cầu nhà văn phải nộp sách và …văn bản xác nhận đồng ý tham dự. Điều này cũng theo ông chủ tịch Hội là khá “nhẹ nhàng” và hợp qui chế song sẽ làm giảm đi rất nhiều số lượng tác giả, tác phẩm tham gia vì tính “bao cấp” và gò bó, cứng nhắc của tiêu chí ấy. Có phải đó là nguyên nhân mà Hội không thể tiếp cận được nhiều tác phẩm hay, có chất lượng tốt và không thể trao giải thưởng cho tác phẩm xứng đáng?

Tác phẩm văn học nghệ thuật hay - rất khó có định nghĩa cụ thể. Song, công chúng với sự ủng hộ yêu ghét là thước đó rất đáng được chú ý và quan tâm. Nếu như một tác phẩm đoạt giải mà người đọc dửng dưng hoặc không biết thì giải thưởng liệu có còn ý nghĩa với người sáng tạo ra nó không? Tác phẩm được sống trong lòng công chúng qua thời gian mới là điều hạnh phúc và động lực để các nhà nghệ thuật phấn đấu cho ra đời sản phẩm hay. Một quyển tiểu thuyết hay tập trường ca nếu viết xong, nhận giải thưởng và cất vào tủ chờ đóng bụi thời gian, thì văn học còn gì để nói? Giải thưởng ấy cũng sẽ làm người nhận cảm thấy chạnh lòng. Vậy, có cần thiết không văn bản chứng nhận tham dự giải? Cần không chữ kí tên xác nhận tham gia giải thưởng một cách máy móc trong thời đại mở cửa hội nhập này? Câu trả lời này còn phải chờ đến mùa sau.