Lòng đường ai bán, ai mua?

(VOH) - Mới đây đã xảy ra vụ việc lãnh đạo của một ngân hàng rút súng chĩa thẳng vào mặt nữ quản lý của một hãng taxi xuất phát từ chuyện tranh giành chỗ đậu xe trên lòng đường tại khu vực Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM.

Ảnh minh họa: baochi

Thực tế chuyện giành nhau chỗ đậu xe ở nhiều con đường tại thành phố này xảy ra không ít, có điều nó ít được chú ý bởi chưa ai dám liều lĩnh rút súng uy hiếp người khác như ông sếp ngân hàng trong vụ việc này. Qua những tình tiết của vụ việc, mà cụ thể qua lời khẳng định của nữ quản lý taxi “chỗ đậu đã được mua” thì dư luận thắc mắc: Ai bán chỗ đậu xe trên lòng đường để hãng taxi này xác lập “lãnh địa” riêng?

Nếu theo lời người phụ nữ ấy thì rõ ràng đang tồn tại thực trạng mua bán chỗ đậu xe dưới lòng đường, trong khi nơi này chẳng phải là của riêng ai?!

Hiện không khó để mọi người có thể quan sát tại nhiều tuyến đường và ngay tại lòng đường nằm bên dưới nhiều tòa nhà cao tầng ở TP.HCM mỗi ngày vẫn có hàng hàng, lớp lớp taxi của các hãng chiếm dụng làm bến đỗ riêng.

Ở đó có hẳn các quản lý taxi điều hành để tài xế chạy theo thứ tự mỗi khi có khách bước ra từ tòa nhà hay khách đến đón xe. Tuy nhiên, từ đó cũng xảy ra không ít cự cãi giữa những người lái ô tô cá nhân với các nhân viên điều hành taxi hay tài xế taxi đậu tại những nơi này. Một bên bảo rằng, “chỗ này đã được mua”, bên kia phản ứng lại, “tại sao anh được đậu còn tôi thì không” trong khi lòng đường thuộc sở hữu công cộng. 

Thật trớ trêu thay!

Đến đây, lại chợt nhớ đến câu chuyện về “xe đoàn”, “xe vua” mà giới tài xế gọi là xe đã “mua đường” mặc sức ngang nhiên phóng nhanh, vượt ẩu hay chở quá tải trên khắp các tuyến đường cả nước nhưng chẳng hề hấn gì. Trên mỗi chiếc xe đoàn có dán logo làm dấu hiệu để được nhận biết mà dễ dàng lưu thông trót lọt qua các trạm kiểm soát giao thông.

Trước thực trạng này, trong những cuộc họp về an toàn giao thông giữa các địa phương, Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban ATGT QG rất nhiều lần yêu cầu các địa phương phải xử lí nghiêm các đối tượng bảo kê, xử lý tình trạng tiêu cực tại các trạm cân và hiện tượng “xã hội đen” thao túng hoạt động xe quá tải, quá khổ trên một số tuyến đường bộ…”

Rõ ràng, chuyện mua đường, bảo kê cho ‘xe đoàn”, “xe vua” hay chuyện mua chỗ đậu ô tô trên lòng đường vẫn là một thực trạng nhức nhối. Nhiều người cảm thấy bức xúc khi không ít tuyến đường ở thành phố không có biển cấm đậu, nhưng khi đậu thì họ phải móc túi đóng phí, trong khi người thu phí chẳng biết đang đại diện cho lực lượng chức năng nào! Bên cạnh đó, nhiều nơi chỉ có mỗi xe taxi hay xe khách có thương hiệu được phép đậu, còn xe ô tô lạ vừa tấp vào thì bị… đuổi vì chỗ ấy đã được mua. 

Lúc này câu hỏi được đặt ra là: Ai dám bán lòng đường để các hãng taxi hay các hãng xe khách thương hiệu có quyền xác lập chỗ đậu riêng?

Chắc rằng, chẳng có người dân thường nào có đủ tư cách và quyền lực để đứng ra đại diện cho bên bán nhằm mặc cả và buộc các hãng xe khách hay các hãng taxi chấp nhận làm phận “khách hàng” trong chuyện này. Vậy thì bên bán phải là một thế lực nào đó có quyền, có thế và có thừa cả sự liều lĩnh để đứng ra bán cái mà chẳng bao giờ thuộc quyền sở hữu của họ, đó là lòng đường.

Thành ra muốn biết bên bán lòng đường, bán chỗ đậu là ai thì cứ việc đi hỏi bên mua hay chính nữ quản lí của hãng taxi vừa bị chĩa súng.