Mệnh lệnh từ trái tim

(VOH) - Từng trải qua bao đau thương và mất mát của chiến tranh, hơn ai hết, mỗi người Việt Nam hôm nay luôn trân trọng và nâng niu giá trị của cuộc sống hòa bình, độc lập.

Nghe bài viết tại đây. 

Không chỉ giữ gìn và phát huy thành quả cách mạng, người Việt dù ở nơi đâu, đều tri ân sâu sắc sự hy sinh của thế hệ cha anh, những người đã ngã xuống cho cả dân tộc đứng lên, trường tồn và phát triển.

Trong những ngày tháng 7 tri ân, trên khắp mọi miền Tổ quốc, các hoạt động kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 đã và vẫn đang diễn ra trang trọng, thành kính, bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm. 27/7 cũng là dịp nhắc nhớ chúng ta rằng, trên mảnh đất này, lớp lớp cha anh đã đổ máu xương tô thắm trang sử vẻ vang của dân tộc.

Và bao năm qua, tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của người Việt, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được Đảng, Nhà nước, đồng chí và đồng bào quan tâm sâu sắc. Không chỉ là trách nhiệm, đạo lý, với những ai đang hưởng trái ngọt hòa bình hôm nay, đền ơn đáp nghĩa còn là mệnh lệnh từ trái tim.

Bà Võ Thị Dung - Nguyễn Thị Dung thăm hỏi sức khỏe và tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Khâm  (Ảnh: Bá Nam)

Theo báo cáo của Bộ LĐ, TB&XH, hiện cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công, chiếm gần 10% dân số. Hàng triệu người, gia đình, thân nhân người có công được hưởng chính sách chăm lo của Nhà nước, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sỹ, trên 117 nghìn Mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng và truy tặng danh hiệu, gần 1 triệu thương, bệnh binh được hưởng chính sách. Hàng triệu người có công với cách mạng, tham gia công cuộc giải phóng dân tộc được tặng huân, huy chương kháng chiến. Hàng vạn chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt, tù đày, thanh niên xung phong, được hưởng trợ cấp ưu đãi…

Đó là những con số hiện thân cho truyền thống yêu nước sáng ngời, là thể hiện tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập của dân ta, sẵn sàng đánh đổi tất cả cho khát vọng hòa bình.

Những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa đã và đang không ngừng được vun đắp, nhân rộng, phần nào xoa dịu nỗi đau và những mất mát của đồng bào, đồng chí.

Dù đất nước còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng Đảng, Nhà nước chưa bao giờ thôi quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ gia đình và người có công với nước. Cả xã hội đã dành cho thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, gia đình có công, những tình cảm đặc biệt và tấm lòng tri ân vô hạn cả về vật chất lẫn tinh thần, trở thành một phong trào sâu rộng, lan toả khắp cộng đồng.

Cán bộ chiễn sỹ BTL vùng CSB 3 tham gia thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sỹ tỉnh BRVT

Đến nay, đã có hơn 98% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức thu nhập trung bình ở nơi cư trú. Tất cả Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, đều được phụng dưỡng; hàng vạn thương, bệnh binh, bố mẹ liệt sỹ già yếu, cô đơn được các đoàn thể, chính quyền và người dân địa phương chăm lo chu đáo... con em của thương binh, liệt sĩ được đỡ đầu, trợ cấp, phong trào xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa trở thành việc làm thường xuyên, liên tục. Cả cộng đồng chung tay nỗ lực, làm rất nhiều việc để cuộc sống của người có công với cách mạng và thân nhân ngày càng tốt hơn, bằng tất cả trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ người có công đang gặp khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Vẫn còn những hạn chế, bất cập, thậm chí có nơi chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện đầy đủ, kịp thời những chính sách dành cho người có công.

Hiện vẫn còn gần 200.000 hài cốt liệt sĩ vẫn nằm đâu đó nơi chiến trường xưa, chưa được về với quê hương; khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập, đang yên nghỉ tại các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính. Rồi còn hàng triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã và đang phải quằn quại gánh chịu nỗi đau do chiến tranh để lại. Hàng ngàn cựu thanh niên xung phong vẫn sống trong cơ cực và bệnh tật. Và không chỉ trong thời chiến, cả trong hòa bình hôm nay, vẫn có những người thầm lặng hy sinh, những chiến sĩ đổ máu xương giữ vững chủ quyền đất nước. Quặn đau và day dứt lắm!

Đã có rất nhiều sự sẻ chia, nhưng vẫn cần thêm, nhiều thêm nữa những tấm lòng thơm thảo chung tay đáp nghĩa tri ơn. Những vướng mắc trong thực tiễn cần sớm được giải quyết, hoàn thiện chính sách, thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi đối với người có công. Các cấp chính quyền, địa phương cần quan tâm sâu sát, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp các gia đình chính sách có công, có cuộc sống tinh thần và vật chất đầy đủ hơn, ấm áp hơn. Cả cộng đồng tích cực, chủ động tham gia chăm sóc, đền ơn, đáp nghĩa người có công với nước bằng những việc làm cụ thể, cũng là thể hiện sự trân trọng và tôn vinh những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc.

Đất nước đang trên đà đổi mới, song hậu quả của chiến tranh vẫn còn đó đây trên các vùng đất quê hương. Là dịp cả dân tộc tỏ lòng tri ân, ngày thương binh liệt sĩ 27/7 giúp mỗi người chúng ta, nhất là thế hệ trẻ bồi đắp thêm lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Thiết nghĩ, cách tri ân tốt nhất với sự hy sinh to lớn của các bậc cha anh, chính là mỗi người dân cần nỗ lực đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Đó cũng là trách nhiệm, là mệnh lệnh từ trái tim, là lời hứa dành cho những người đã ngã xuống cho sự yên bình của đất nước hôm nay.