Phán quyết của PCA thể hiện thượng tôn pháp luật

(VOH) - Yêu sách của Trung Quốc về các quyền lịch sử đối với các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” là trái với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); Trung Quốc không có tư cách lịch sử đối với các vùng biển ở biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về các quyền lịch sử đối với những nguồn tài nguyên trong “đường 9 đoạn”. Đây là phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở biển Đông đưa ra chiều 12/7 (theo giờ Việt Nam).

16h chiều 12/7 (theo giờ VN), Tòa Trọng tài thường trực tại Hague (PCA) Hà Lan ra phán quyết chung cuộc vụ Philippines kiện Trung quốc về “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” ở biển Đông đã làm xôn xao dư luận thế giới.

Trụ sở toà Trọng tài thường trực LHQ (PCA) tại The Hague, Hà Lan. Ảnh: EPA. 

Tòa án Quốc tế ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn của Trung quốc trên biển Đông, kết luận không có căn cứ pháp lý để Trung quốc đòi quyền lịch sử với các vùng biển nằm trong vùng 9 đoạn. Tòa trọng tài nhấn mạnh “mặc dù các ngư dân Trung quốc cũng như  người của các quốc gia khác, về mặt lịch sử đã sử dụng các hòn đảo tại Biển Đông, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã thực thi việc kiểm soát độc quyền về mặt lịch sử đối với các vùng biển hoặc các nguồn tài nguyên ở Biển Đông.

Tòa trọng tài kết luận không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc tuyên bố quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên bên trong các khu vực biển nằm trong đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò”.

Ngay sau khi Tòa trọng tài công bố phán quyết Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta Lê Hải Bình đã hoan nghênh việc Tòa trọng tài đưa ra phán quyết cuối cùng và VN sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết. Ông Lê Hải Bình nói “Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã thể hiện đầy đủ trong tuyên bố ngày 5/12/2014 của Bộ Ngoại giao gởi Tòa trọng tài, trên tinh thần đó Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo qui định của luật pháp Quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Nhân dịp này, VN tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của LHQ về luật biển năm 1982 cũng như tất cả quyền và lợi ích pháp lý của VN liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường sa”.

Nhận định về phán quyết của Tòa trọng tài bác bỏ hoàn toàn yêu sách của Trung quốc về đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ đã hoan nghênh và đề cao sự công tâm minh bạch, đúng đắn của phán quyết mà Hội đồng trọng tài PCA đứng ra làm việc hết sức ý nghĩa này, Tiến sĩ Trần Công trục nói: ”Điều này chứng tỏ thượng tôn pháp luật đã được đề cao. Phán quyết giúp Việt Nam khẳng định việc vận dụng và thực thi Công  ước LHQ về luật biển năm 1982 để xác lập quyền và lợi ích của mình một cách hợp pháp và có cơ sở để VN tiếp tục đấu tranh bảo vệ các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình. Tranh chấp ở biển Đông, ngoài tranh chấp vừa có phán quyết còn nhiều  tranh chấp phức tạp hơn  mà Việt Nam và các nước trong khu vực còn tiếp tục cùng  nhau giải quyết”.

Ngay sau khi Tòa trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, ngoài nguyên đơn Philippines đã ca ngợi phán quyết của Tòa trọng tài, nhiều nước đã có cùng phản ứng. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida ra tuyên bố cho rằng phán quyết của PCA là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý, theo đó các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này.

Bộ Ngoại giao Singapore ra tuyên bố kêu gọi tất cả các bên tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao, kiềm chế và tránh tiến hành bất kỳ hoạt động có thể gây căng thẳng trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Thái Lan khẳng định vấn đề Biển Đông nên được giải quyết thông qua các nỗ lực phối hợp và bằng mọi phương cách, trên cơ sở sự tin cậy lẫn nhau cũng như lợi ích công bằng, phản ánh bản chất quan hệ lâu dài giữa ASEAN và Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố khẳng định phán quyết của PCA là "đóng góp quan trọng đối với mục đích chung của giải pháp hòa bình" cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby bày tỏ "hy vọng và mong muốn" các bên sẽ tuân thủ những nghĩa vụ đối với phán quyết có tính ràng buộc pháp lý về Biển Đông. Các nước Australia, Hàn Quốc, Malaysia kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài PCA, kềm chế để không gây thêm căng thẳng ở Biển Đông.

Hình ảnh vệ tinh Trung Quốc cải tạo phi pháp bãi Chữ Thập ở Biển Đông. Ảnh AP

Ngược lại với xu thế thế giới Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức lên tiếng nói không chấp nhận phán quyết do PCA đưa ra và vẫn khăng khăng nói họ có chủ quyền lịch sử ở biển Đông. Song song đó là luận điệu "sẵn sàng giải quyết các tranh chấp có liên quan một cách hòa bình thông qua đàm phán và tham vấn với các bên có liên quan trực tiếp trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và phù hợp với luật pháp quốc tế".

Tân Hoa Xã một mực cho rằng PCA là một “tòa án lạm dụng luật pháp”, đã đưa ra phán quyết vô căn cứ. Tuy nhiên, hãng tin này chứng tỏ mình đuối lý, khi không đưa ra được bằng chứng cụ thể cho lập luận này. Trước đó, bộ máy truyền thông của Trung quốc đã hoạt động hết tối đa trên phạm vi toàn cầu, Đại sứ Trung quốc ở các nước được chỉ đạo từ Bắc Kinh tập trung viết bài tuyên truyền ở các nước sở tại, với luận điệu cũ là người Trung Quốc đã có mặt trên các đảo ở Biển Đông hơn 2.000 năm trước, Trung Quốc còn đơn phương công bố hơn 60 nước ủng hộ lập trường của mình về chủ quyền đường 9 đoạn, trong đó có rất nhiều nước lên tiếng bác bỏ sự ủng hộ của họ với đòi hỏi phi lý về đường 9 đoạn trên Biển Đông, các nước còn lại chưa thấy bất kỳ nước nào mà Trung Quốc cho là  ủng hộ họ lên tiếng về phán quyết của PCA.

Rõ ràng phán quyết của tòa trọng tài PCA đã khẳng định đường 9 đoạn, hay đường lưỡi bò mà Trung Quốc tuyên bố là chủ quyền là vô căn cứ, hành động này vi phạm nghiêm trọng luật pháp Quốc tế và Công ước LHQ về luật biển năm 1982 mà Trung Quốc đã ký kết, chứng tỏ thế giới đang thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật.