Quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ: Vẫn còn là “Đồng sàng nhưng dị mộng”

(VOH) - “Đồng sàng nhưng dị mộng” đó là cụm từ mà giới phân tích quốc tế dùng để mô tả mối quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ sau chuyến thăm chính thức Mỹ của ông Recep Tayyip Erdogan ngày 13/11.

 “Đồng sàng nhưng dị mộng” đó là cụm từ mà giới phân tích quốc tế dùng để mô tả mối quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ sau chuyến thăm chính thức Mỹ của ông Recep Tayyip Erdogan ngày 13/11. Tại cuộc họp báo chung tại thủ đô Washington, những tuyên bố của cả hai bên vẫn cho thấy hố sâu bất đồng đang chia rẽ quan hệ Mỹ-Thổ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Đúng như dự đoán, có quá nhiều mắc mớ trong mối quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ. Đó không chỉ là bất đồng trong vấn đề người Kurd ở Syria khi Mỹ từ chối lời đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt liên minh với lực lượng này; đó không chỉ là sự phật lòng của Mỹ khi Thổ Nhĩ Kỳ tốn cả núi tiền mua tên lửa S-400 của Nga... mà còn là sự bất đồng sâu sắc về quan điểm. Thậm chí, ông Trump còn thẳng thừng nói rằng“Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ tuyệt vời với người Kurd”, một tuyên bố được ví như gáo nước lạnh tạt thẳng vào đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước thềm chuyến thăm, Mỹ vẫn đe dọa áp đặt bổ sung các lệnh trừng phạt nếu Thổ Nhĩ Kỳ không từ bỏ thương vụ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Trước đó, Mỹ đã ban hành lệnh cấm bán chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Bất chấp lệnh trừng phạt này, lô hàng S-400 đầu tiên vẫn được chuyển giao như thường lệ và Ankara lại bày tỏ ý định mua tiêm kích Su-35 của Nga thay thế cho F-35 của Mỹ.

Đây chính là nguyên nhân khiến Tổng thống Trump và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vẫn không thể cười với nhau trong một cuộc họp báo diễn ra cách đây ít phút. Điểm sáng duy nhất trong chuyến thăm, nếu có, chính là tuyên bố Mỹ- Thổ nhất trí sẽ đàm phán về một thương mại. Nhưng hình bóng thỏa thuận thương mại ấy ra sao, con số cụ thể thế nào… thì vẫn mơ hồ, chưa bên nào công bố.

Ngược dòng lịch sử, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ gần gũi thân thiết, nhưng vài năm trở lại đây, hai nước liên tiếp đối đầu nhau bằng các biện pháp trừng phạt, trả đũa kinh tế, đe dọa và thách thức. Nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng trong quan hệ hai nước không chỉ bắt nguồn từ những mâu thuẫn ngoại giao, đặc biệt liên quan đến số phận của mục sư người Mỹ Andrew Brunson bị Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ hay Giáo sĩ Fethullah Gulen - người đang sống lưu vong tại Mỹ và bị Ankara cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016, mà còn là những bất đồng âm ỉ liên quan đến lợi ích của mỗi bên. Chính những mâu thuẫn lợi ích này đang tạo ra "nút thắt" không thể gỡ trong quan hệ hai nước.

Tại khu vực Trung Đông, lực lượng người Kurd là một trở ngại chính trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ bởi chính quyền Ankara coi nhiều nhóm vũ trang của người Kurd là "thành phần khủng bố", trong khi với Mỹ đây là lực lượng đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống lại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và bảo vệ các khu khai thác dầu mỏ rộng lớn trong  khu vực. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về giải pháp hòa bình cho Syria cạnh tranh trực tiếp với tiến trình đàm phán mà Mỹ dẫn dắt, được cho sẽ đe dọa đến lợi ích của Washington tại Syria cũng như trong khu vực. Mặc khác, Thổ Nhĩ Kỳ còn “kết bạn” với nhiều "đối thủ" khác của Mỹ như tuyên bố tiếp tục trao đổi thương mại với Iran hay thiết lập mối quan hệ vững mạnh với Venezuela.

Đặc biệt, một yếu tố chính trị  khác khiến quan hệ hai nước trở lên “lung lay” chính là  quyết tâm theo đuổi đến cùng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với thương vụ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, bất chấp Mỹ phản đối gay gắt. Việc Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng mua sắm thiết bị quân sự từ Nga cho thấy quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên gần gũi và nồng ấm, điều đó thật sự không thể khiến Mỹ và NATO cảm thấy “dễ chịu” khi Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO, lại là thành viên có lực lượng vũ trang lớn thứ hai của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương này. Thổ Nhĩ Kỳ còn đe dọa thắt chặt quan hệ quân sự với Nga hơn nữa bằng việc mua máy bay chiến đấu Su-35 nếu Washington không dỡ bỏ lệnh cấm bán chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ... Thậm chí, chỉ cách đây đúng 1 tháng, Mỹ thậm chí đã áp đặt trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara phát động chiến dịch tấn công nhằm vào các lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria, làm trầm trọng thêm mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước bởi gói trừng phạt này càng "bóp nghẹt" nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Dẫu vậy, cả nhà lãnh đạo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều thừa nhận rằng họ vẫn cần nhau và sẽ nỗ lực cải thiện quan hệ song phương". Đơn giản là bởi nếu mất Thổ, Mỹ sẽ mất đi lá bài chiến lược ở Trung Đông, mất đi quyền sử dụng căn cứ quân sự chiến lược Incirlik - nơi cất trữ kho vũ khí hiện đại để kiểm soát Trung Đông. Còn Thổ Nhĩ Kỳ luôn ý thức được rằng họ là tâm điểm giữa châu Á – châu Âu, mắt xích thiết yếu cho chính sách khu vực của Mỹ: là bệ phóng để họ áp đặt mạnh mẽ các lợi ích của mình đối với Mỹ. Vậy tại sao lại phải chia tay nước Mỹ khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần chỗ dựa và điểm tựa lớn về kinh tế như vậy?

Nhìn vào những gì đang diễn ra hiện nay, có thể thấy mối quan hệ Mỹ-Thổ dẫu chông gai nhưng vẫn không thể buông bỏ. Hoặc cũng có thể nói rằng quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ vẫn “đồng sàng, nhưng dị mộng” và cả hai bên đều chấp nhận điều này vì lợi ích của cả hai bên.