Chờ...

Sai phạm trong đào tạo đại học, cao đẳng, phải xử phạt nghiêm minh

(VOH) - Mới tháng 4 vừa qua, Thanh tra Chính phủ có kết luận về sai phạm của Bộ GD-ĐT và 5 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, thì đến cuối tháng 5 lại thêm một trường đại học nữa bị thanh tra Bộ GD-ĐT công bố sai phạm. Điều đáng nói, đây đều là các cơ sở đào tạo uy tín trong nước.

Đào tạo đại học, cao đẳng còn nhiều bất cấp (Ảnh: Kenhtuyensinh)

Các sai phạm của Đại học Sư phạm TPHCM vừa được công bố không khác mấy so với 5 cơ sở đào tạo trước. Chủ yếu xoay quanh công tác tuyển sinh, đào tạo, thu chi tài chính… Trong đó, những sai phạm về tuyển sinh, đào tạo không khỏi khiến dư luận lo lắng cho tương lai của nền giáo dục nước nhà.

Bởi chỉ trong giai đoạn 2012-2014, Đại học Sư phạm đã tuyển và đào tạo gần 8.000 sinh viên hệ vừa làm vừa học (VLVH) khi chưa được Bộ cấp phép. Trường còn đào tạo không đúng với quy định khi áp dụng chương trình đào tạo chính quy cho hệ VLVH.

Liệu số phận của 8.000 sinh viên ấy sẽ ra sao sau vụ việc này ? Và nếu không bị phát hiện thì điều gì sẽ xảy ra khi 8.000 “giáo viên không hợp lệ” ấy tốt nghiệp, ra trường và dạy dỗ thế hệ tương lai của đất nước?

Hậu quả cũng xót xa không kém trong trường hợp của Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Huế, khi giờ đây số phận của các sinh viên đã được cấp bằng tốt nghiệp không đúng quy định thuộc loại hình liên thông chính quy năm 2011 không biết sẽ ra sao, bởi những tấm bằng này có khả năng không được công nhận.

Không chỉ ở hệ chính quy, VLVH, sai phạm của các trường còn bao gồm cả những hệ khác như đào tạo từ xa, sau đại học...

Còn nhớ, trong chương trình liên kết đào tạo với Hội đồng liên Đại học Cộng đồng Pháp ngữ Bỉ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đã có 7 học viên chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ.

Còn Đại học Luật TPHCM thì học viên đã tốt nghiệp đều không làm luận văn tốt nghiệp theo quy chế.

Với cách thức đào tạo thiếu trách nhiệm như trên, thì viễn cảnh tấm bằng đại học, cao đẳng của nước ta sánh ngang với nhiều trường đại học của Mỹ, Úc... sẽ vẫn là ước mơ xa vời.

Để xảy ra những sai phạm trong đào tạo đại học, cao đẳng, trước tiên phải kể đến trách nhiệm của ngành dọc và chính quyền địa phương: quản lý chưa chặt, giám sát chưa nghiêm xuất phát từ nhận thức về vai trò của giáo dục chưa đúng tầm.

Tuy nhiên, có cầu thì mới có cung. Hiện nay, nhu cầu bổ sung bằng cấp cho công việc là rất lớn. Thế nên bên cạnh hệ đào tạo chính quy, thì hệ văn bằng 2, VLVH hầu như đều kín học viên khi vừa mở lớp.

Các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, với mác “ngoại” mà không cần đi du học, cũng thu hút không kém số lượng học viên. Và điều đương nhiên là các chương trình này đã mang về cho các cơ sở đào tạo nguồn thu không hề nhỏ. Đây chính là “động lực” lớn để các cơ sở này không ngại ngần biết sai mà vẫn làm.

Dẫu biết rằng bằng cấp là cần thiết để đánh giá trình độ nguồn nhân lực, tuy nhiên, với đà đào tạo tràn lan, không đúng quy định, vượt chỉ tiêu cho phép như thế này, liệu tấm bằng đại học, cao đẳng nước ta sẽ giữ được giá trị của nó trong bao lâu nữa!

Do đó, việc xử lý sau thanh tra nếu chỉ dừng ở mức yêu cầu các cơ sở này chấm dứt sai phạm, kiểm điểm rút kinh nghiệm, e là chưa đủ. Cần có những giải pháp có tính răn đe hơn nữa, thậm chí cách chức hay đình chỉ công tác đối với người đứng đầu đơn vị có sai phạm.

Quan trọng nhất là các cơ sở trên phải khắc phục sai phạm và xin lỗi học viên. Đối với những khóa học không được cấp phép mà vẫn tiến hành, ngoài xử lý theo quy định của Pháp luật, xử phạt nghiêm minh, còn phải bồi thường cho học viên vì đã cung cấp thông tin tuyển sinh không đúng quy định, gây tổn hại đến thời gian, tiền bạc, công sức và niềm tin của học viên.

Nói cho cùng, đối tượng của giáo dục là con người, nên các nhà làm giáo dục không thể làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”, không nghĩ tới hậu quả lâu dài của những sai sót trong đào tạo thế hệ tương lai của đất nước.