028.38225933 (Hotline) - 028 3822 1188 (FM 95.6) - 028 38291 357
icon-radio-fm-999-mhz
logo-voh-radio-online
Điện thoại: 028.38225933 - 028.38225934
Đường dây nóng bạn nghe đài: 028.3891 357 - 0948747571

TPHCM: Đẩy mạnh tuyên truyền về hạn chế sử dụng túi nilon trong cộng đồng

(VOH) - Hiện nay, túi nylon hay còn gọi là bao xốp đã trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Với ưu điểm bền, tiện dụng, đa dạng, giá thành thấp, các loại túi nylon ngày càng được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi. Tuy nhiên việc lạm dụng túi nylon quá mức đã dẫn đến những hệ lụy không nhỏ đối với môi trường cũng như sức khoẻ con người.
Trao tặng giỏ nhựa đi chợ cho các hội viên hội phụ nữ tại quận 2 nhằm hạn chế việc sử dụng túi nylon.

Theo một nghiên cứu gần đây, nguyên liệu sản xuất túi nylon chủ yếu là dầu mỏ, khí đốt và các chất phụ gia độc hại và loại túi này phải mất từ 500 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy được. Mặc dù đã phân hủy, khi lẫn vào đất, túi nylon vẫn khiến cho đất bị mất nước và chất dinh dưỡng.

Hiện nay, túi nylon được sử dụng ở khắp nơi từ người buôn bán hàng rong, các tạp hóa, chợ truyền thống đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn. Nhiều người tiêu dùng hiểu được những nguy cơ tiềm ẩn từ túi nylon nhưng do thói quen nên vẫn vô tư sử dụng. Chị Đặng Thị Ngọc Trâm, tiểu thương chợ Bình Khánh, Quận 2 chia sẻ: "Khách hàng rất thích cho túi nylon càng nhiều càng tốt, người ta ra chợ chỉ mua một món mà thích xin thêm mấy cái để về đựng rác, nếu mình không cho, người ta sẽ không vui”.

Ở vai trò là người khách hàng, chị Trần Thị Li Ni – Phường An Phú – Quận 2 cho biết ý kiến riêng về việc sử dụng túi nylon: “Túi nylon là một nhu cầu thiết yếu khi mua sắm một thứ gì đó, sử dụng nhiều sẽ gây ô nhiễm môi trường nhưng vì có người sản xuất nên phải có người dùng. Nếu như có một loại nào không gây ô nhiễm môi trường và vẫn tiện lợi như túi nylon thì chắc chắn người ta không bao giờ sử dụng túi nylon”.

Để hạn chế sử dụng túi nylon, nhiều chương trình tuyên truyền, vận động đã được tổ chức nhằm kêu gọi người dân, tiểu thương và các doanh nghiệp cùng hưởng ứng chương trình. Năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM đã đưa ra kế hoạch hướng dẫn Hội phụ nữ các quận - huyện trong việc tổ chức tuyên truyền, vận động hạn chế sử dụng túi nylon.

Tại quận 2, để tuyên truyền tới người tiêu dùng, Hội Phụ nữ quận thường xuyên tham gia các buổi họp sinh hoạt định kỳ hàng quý tại các Chi, Tổ Hội, qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ hội viên phụ nữ và nhân dân về tác hại của việc sử dụng túi nylon đối với môi trường, khuyến khích và tặng giỏ nhựa đi chợ cho các bà nội trợ... Vận động các bà nội trợ thực hiện mô hình thu gom túi nylon sau khi đi chợ về, giặt sạch để tái sử dụng hoặc bán ve chai, gây quỹ tặng thẻ bảo hiểm y tế cho phụ nữ nghèo tại khu phố… Bà Nguyễn Thị Hoa – Chủ tịch Hội phụ nữ Quận 2 cho biết: “Giải pháp khiến người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ làm tốt công tác hạn chế sử dụng túi nylon, thay vì sử dụng túi nylon thì sử dụng giỏ xách đi chợ, cái nào cần thì sử dụng 1 túi hoặc bỏ trực tiếp vào giỏ. Góp phần cùng tiểu thương, tiểu thương hạn chế bỏ - người dân hạn chế lấy, thì các mô hình đó cũng là giải pháp để thực hiện chương trình này…”.

Trong công tác tuyên truyền, các cấp Hội đặc biệt đi sâu vào công tác vận động tiểu thương ngành hàng khô sử dụng túi giấy thay cho túi nilon như: phát tờ rơi, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, lồng ghép nội dung trong các buổi sinh hoạt các câu lạc bộ… Toàn quận 2 hiện có 140 tiểu thương kinh doanh mặt hàng khô như: mỹ phẩm, vải, giầy dép, quần áo, cá khô... và 88 cửa hàng tạp hóa, thuốc tây, vải... đã cam kết 100% hạn chế sử dụng túi nylon. Bà Hoa cho biết thêm về vấn đề này: “Nói chung là các tiểu thương khi nghe tuyên truyền đều có ý thức, đều biết túi nylon có hại cho môi trường, đều có ý thức phải thay thế dần. Tất nhiên bỏ thì chưa được nhưng sẽ tiến tới thay thế dần bằng túi tự hủy, túi thân thiện… Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp một số khó khăn ví dụ như nguồn cung túi thân thiện chưa sẵn sàng đáp ứng. Ví dụ như yêu cầu phải mua số lượng lớn nhà cung cấp mới cung cấp hoặc size chưa đa dạng…”.

Như vậy, một trong những giải pháp được đưa ra để hạn chế được tình trạng sử dụng túi nylon là sử dụng túi nylon tự hủy, tuy nhiên có rất ít đơn vị sản xuất loại túi này. Một nguyên nhân khác khiến túi tự hủy khó đến được với tiểu thương là giá túi tự hủy hiện nay cao hơn túi nylon thông thường, mẫu mã chưa đa dạng. Chính vì vậy, rất cần có đơn vị đứng ra làm cầu nối giữa doanh nghiệp sản xuất túi tự hủy và tiểu thương các chợ, cung cấp túi tự hủy cho tiểu thương chính là một trong những giải pháp giúp chương trình hạn chế sử dụng túi nylon lan tỏa sâu rộng hơn.

Về lâu dài, các cơ quan có thẩm quyền cần có những chính sách kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, tái chế túi nylon thông thường để hạn chế lưu hành các loại túi này trên thị trường. Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ để các đơn vị sản xuất túi nylon thân thiện tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tiến tới hạ giá thành sản phẩm và phổ biến rộng rãi túi nylon tự phân hủy. Có như vậy, môi trường tự nhiên mới bớt đi một gánh nặng rác thải, ô nhiễm và người dân bớt đi mối lo sức khỏe.

Lan Hương
;