Tranh chấp Biển Đông chỉ có thể giải quyết bằng hòa bình

(VOH) - Trước hết là chuyến công du đầu tiên trong cương vị Thủ tướng Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới nước Nga theo lời mời của thủ tướng Medvedev. Ngoài những lĩnh vực Kinh tế, Văn Hóa, Giáo dục, Khoa học… được 2 Thủ tướng thảo luận và ký kết nhiều Hiệp định hợp tác, tình hình diễn biến phức tạp đang diễn ra ở Biển Đông cũng được Thủ tướng 2 nước đặc biệt quan tâm.

Trao đổi về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông, hai bên đều nhất trí cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Kết thúc chuyến thăm Nga theo lời mời của Thủ tướng Medvedev, ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao nước ta tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Nga diễn ra tại thành phố Sochi, Liên bang Nga.

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với Tổng thống Nga Putin và các nhà lãnh đạo ASEAN đề ra những khuôn khổ hợp tác mới để hai bên thực sự là đối tác toàn diện của nhau. Cuộc họp đã ra tuyên bố chung Sochi, trong đó về diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông tuyên bố Sochi xác định: “Các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ mong muốn Nga tiếp tục tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác của ASEAN, ủng hộ lập trường và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Các nhà Lãnh đạo cũng chia sẻ quan tâm, tầm quan trọng và lợi ích chung của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông đối với hòa bình và phát triển ở khu vực và thế giới. Đồng thời đề cao lập trường nguyên tắc của ASEAN giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). 

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại buổi họp báo chung quốc tế về kết quả cuộc hội đàm, phương hướng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới.​ (ảnh: Công Lý)

Gần đây nhất là chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Obama. Sau hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hoa kỳ, ngày 24/5, tuyên bố chung Việt – Mỹ được công bố nhấn mạnh 7 lĩnh vực hợp tác trong thời gian tới, về tình hình Biển đông tuyên bố viết: “Việt Nam và Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết chung đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ và trên biển bằng biện pháp hòa bình, trong đó có việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Hai bên nhấn mạnh cam kết của các bên tranh chấp không có những hành động làm phức tạp và mở rộng các tranh chấp, thừa nhận tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy thương lượng thực chất và sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử (COC). 

Theo đó, hai bên đặc biệt quan ngại đối với những diễn biến gần đây ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định. Hai bên nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, cũng như duy trì các hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông; kêu gọi phi quân sự hoá và kiềm chế trong xử lý các tranh chấp, tái khẳng định cam kết chung theo Tuyên bố Sunnylands, và cam kết phối hợp chặt chẽ với các đối tác ASEAN khác trong việc thực hiện tuyên bố này.

Trước đó, ngày 13/4/2016  Hội nghị Ngoại trưởng 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã ra tuyên bố chung bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về những hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông. Tuyên bố Hội nghị  Bộ trưởng Ngoại Giao G7 viết: “Chúng tôi quan ngại về tình hình tại biển Hoa Ðông và Biển Ðông, đồng thời nhấn mạnh đến sự quan trọng nền tảng của việc quản lý và dàn xếp các tranh chấp một cách ôn hòa”

Việt Nam luôn tuyên bố lập trường của nước ta về diễn biến ở Biển Đông là: “Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực và đóng góp của tất cả các nước trong và ngoài khu vực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. 

Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao việc cộng đồng quốc tế có những đóng góp xây dựng nhằm bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông; phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, ủng hộ việc các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với luật pháp quốc tế, triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC và sớm xây dựng COC. Quán triệt đường lối đối ngoại hòa bình hữu nghị, độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia của Đảng và Nhà nước ta, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC) đã ký giữa ASEAN và Trung Quốc, căn cứ vào thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển mà Việt Nam và Trung Quốc ký trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền đối với những vấn đề trên biển Đông…”. 

Việc Nga, Mỹ  cùng  7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới đều tỏ ra quan ngại về diễn biến phức tạp đang diễn ra ở biển Đông phù hợp với lập trường và giải pháp giải quyết tình hình ở Biển Đông của nước ta. Đây cũng là lập trường của các nước Asean mà tuyên bố chung Sochi Nga - Asean  vừa được ký kết cách đây gần nửa tháng. Rõ ràng chỉ có giải quyết diễn biến phức tạp ở Biển Đông bằng giải pháp hòa bình, là phù hợp với lập trường của nước ta với sự đồng tình của rất nhiều nước và các tổ chức quốc tế./