Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Vấn đề hôm nay: Đề phòng tai nạn khi thời tiết chuyển mùa

(VOH) - Hiện nay chưa phải đã vào mùa mưa và thời tiết tại TPHCM đang trong thời điểm chuyển mùa. Tuy nhiên dù chỉ là những cơn mưa rải rác nhưng bấy nhiêu cũng đủ làm cho cây xanh ngã đổ, đường phố ngập như sông và nhiều sự cố khác kèm theo như đứt dây điện, tường sập.v.v khiến người dân hết sức lo lắng.

 

Vấn đề hôm nay:  Đề phòng tai nạn khi thời tiết chuyển mùa

 

(VOH) - Hiện nay chưa phải đã vào mùa mưa và thời tiết tại TPHCM đang trong thời điểm chuyển mùa. Tuy nhiên dù chỉ là những cơn mưa rải rác nhưng bấy nhiêu cũng đủ làm cho cây xanh ngã đổ, đường phố ngập như sông và nhiều sự cố khác kèm theo như đứt dây điện, tường sập.v.v khiến người dân hết sức lo lắng.

 

Cuối tháng 03 vừa qua, một cơn lốc nhỏ đã quét qua phường Bình Khánh-Quận 2 gây thiệt hại 3 căn nhà dân.

 

Vài đợt giông gió cấp 3- cấp 4 hồi đầu tháng 04 này cũng khiến hàng chục cây xanh bị ngã đổ, may mắn không xảy ra chết người nhưng tài sản người đi đường như xe gắn máy, ô tô đã bị thiệt hại đáng kể.

 

Cơn mưa ngày 13/04 dù chưa phải dồn dập, kéo dài nhưng làm cho hàng chục tuyến đường thuộc các quận 4, 5, 6, 11, Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú, Bình Thạnh chìm ngập trong nước.

 

Nước ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) sau cơn mưa đầu mùa 7/4/2009. Ảnh: VNNet

 

Chiều 16/4, một cơn mưa lớn kéo dài khoảng 30 phút trút xuống địa bàn quận Bình Thạnh cũng khiến một rào chắn công trình dài hơn 50m, cao gần 9m của một công ty tư nhân trên đường Ngô Tất Tố đổ sập, gây ảnh hưởng đến 10 căn nhà khác xung quanh. Cùng lúc trên đường Bùi Hữu Nghĩa quận Bình Thạnh, một đoạn lô cốt khoảng 20 m bị đổ sập hoàn toàn, may mắn là sập vào phía trong nên người đi đường không gặp nạn.

 

Ven khu vực Tắc sông Chà thuộc xã Bình Khánh huyện Cần Giờ cũng vừa xuất hiện vết nứt dài hàng chục mét đã đặt khu vực này trong tình trạng có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào, nhất là khi xuất hiện thêm những cơn mưa lớn. Chính quyền huyện Cần Giờ đã tiến hành di dời khẩn nhiều hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm nhằm phòng ngừa thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.

 

Cách đây mấy hôm, một cô gái đang di chuyển trên đường Âu Cơ thuộc phường Tân Thành- quận Tân Phú đã bị điện giật chết rất thương tâm do một đoạn dây điện trung thế bị đứt rơi xuống đường.

 

Thời tiết tại TPHCM đang diễn biến bất thường. Cả TP lại là “một đại công trường” vì đang trong quá trình xây dựng, đào lấp khiến mọi thứ còn lắm ngổn ngang. Đi đâu cũng gặp cảnh đào đường, đào vỉa hè, rào chắn- lô cốt. Hàng loạt công trình đang thi công dang dở như Đại lộ Đông-Tây, các dự án tiêu thoát nước vệ sinh môi trường như Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm, Tham Lương Bến Cát- Rạch Nước Lên. Kiểu thi công cẩu thả chặn dòng chảy, lấp cả đường cống thoát nước làm cho nội thành có thể trở thành túi chứa nước chỉ sau 1 cơn mưa bất kể lớn nhỏ. Lại thêm hệ thống cống thoát nước cũ kỹ với tổng chiều dài khoảng 6.000 km cũng đặt cả TP trong tình trạng báo động về ngập úng. Mà khi đã ngập thì có lắm chuyện nguy hiểm; những con đường, những vũng nước bị ngập sâu, những hố nước ngầm ngập trong mưa có thể sẽ là cái bẫy chết người đe dọa tính mạng người đi đường, nhất là đối với trẻ em và học sinh không biết bơi và hay hiếu động.

 

Dưới chân lo ngập, trên đầu cũng phải đề phòng cây xanh, cột điện, dây điện có thể sẽ ngã đổ, rơi rụng bất cứ lúc nào khi gặp giông gió, lốc xoáy. Bởi năm trước cũng ở thời điểm giao mùa như thế này, trên địa bàn TP từng xảy ra 10 trận lốc xoáy, gây sập và hư hại gần 200 căn nhà, phòng học xí nghiệp, làm ngã đổ 120 cây xanh và 32 cột điện, khiến 10 người bị thương nặng. Và năm nay, theo dự báo của ngành Khí tượng thủy văn, thời tiết sẽ diễn biến rất phức tạp. Mưa, giông, lốc xoáy, bão lũ rất khó lường với cường độ nguy hiểm ngày càng tăng.

 

Qua đây có thể thấy, khi thời tiết chuyển mùa và diễn biến xấu thì cũng là lúc những tai nạn bất ngờ luôn rình rập, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Cộng với thực trạng nhiều nơi đang ngổn ngang bởi đường xá, vỉa hè bị đào xới và xây chắn tạm bợ thì cách tốt nhất để bảo vệ mình là mọi người hãy nâng cao cảnh giác nhằm đề phòng những tai nạn đáng tiếc nhất. Dẫu biết rằng thiên tai, sự cố thật khó nói trước, nhưng cảnh giác bao giờ cũng hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.

 

Huỳnh Sang

Bình luận