Chờ...

Vấn đề hôm nay: Doanh nghiệp sẽ khó hồi phục khi giá điện tăng

(VOH) - Giá điện tăng, là thêm một gánh nặng đè lên vai các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ. Trong đó, lĩnh vực thép và ximăng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cùng với hàng loạt chi phí từ giá xăng dầu giảm nhỏ giọt, giá nước, giá gas... tăng, doanh nghiệp vốn đang khó khăn nay càng khó hơn, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế sẽ không còn ý nghĩa bởi họ có lợi nhuận nữa đâu mà đóng thuế.

Có thể nói, việc tăng giá điện đã tác động trực tiếp, khi hầu hết khâu sản xuất của các doanh nghiệp đều sử dụng điện, chi phí về điện đội lên không ít.

Còn gián tiếp là các nhà cung cấp nguyên vật liệu cũng chịu tác động bởi giá điện tăng, nên có thể họ sẽ tăng giá bán để bù đắp chi phí mà họ phải chịu. Và thế là giá tiêu dùng lại bị đẩy lên.

Trong một thị trường cạnh tranh, nếu giá sản phẩm này tăng thì người tiêu dùng sẽ chọn sản phẩm khác, có giá mềm hơn. Thậm chí, các mặt hàng Trung Quốc, Malaysia... nhảy vào cạnh tranh thì không biết sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sẽ duy trì được bao lâu. Bởi thế, nên doanh nghiệp buộc phải cân nhắc sau mỗi lần điều chỉnh giá. Nhưng nếu không tăng giá bán, doanh nghiệp càng gặp khó khăn hơn.

Có những doanh nghiệp phải liên tiếp thực hiện các chương trình tiếp thị, bán hàng giảm giá để đẩy nhanh đầu ra, quay vòng vốn nhưng vẫn không mấy khả quan. Trong khi đó, người tiêu dùng có tâm lý thắt lưng buộc bụng, chỉ bỏ tiền mua những sản phẩm thiết yếu khiến thị trường bán lẻ một số mặt hàng càng bế tắc.

Theo tính toán của một doanh nghiệp kinh doanh than, đâu chỉ có chi phí tiền điện mà còn hàng loạt chi phí khác như xăng dầu, gas,... chưa kể giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ đầu năm đến nay tăng 10-15%, chi phí đầu vào vì thế đội lên mạnh.


Trong thời điểm khó khăn, tăng giá điện là một đòn mạnh khiến doanh nghiệp thêm lao đao - Ảnh minh họa.

Ưu tư lớn nhất của việc tăng giá điện là ngoài những chi phí cộng thêm, doanh nghiệp phải trả, còn là vấn đề niềm tin của doanh nghiệp vào các chính sách, thị trường hiện nay.

Hiện nay, chủ trương của Nhà nước là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng với tình trạng này, doanh nghiệp không thể nào hồi phục lại được, thậm chí có rất nhiều doanh nghiệp không còn đủ sức gắng gượng và buộc phải phá sản vào thời điểm làm ăn khó khăn này. Và với những doanh nghiệp chỉ đủ sức cầm cự, thì không thể tích lũy để phát triển sản xuất hay mở rộng thị trường.