Vấn đề hôm nay: Không nên tự ý đốt cỏ, rơm rạ trong những ngày nắng gắt

(VOH) - Mùa khô, nắng gắt cũng đồng nghĩa với việc cháy nổ diễn biến phức tạp. Với những khu vực thành thị thì lo lắng nhất là cháy ở những khu dân cư, nhà cao tầng, chợ, siêu thị,…. Riêng đối với những vùng ven ngoại thành, vùng nông thôn thì người dân canh cánh lo cháy lan do bất cẩn của người dân khi đốt rơm rạ, đốt rác, cỏ, dùng lửa lấy mật ong trong rừng,…
 

Không nên tự ý đốt cỏ, rơm rạ trong những ngày nắng gắt

Và trong thực tế, những năm qua, hàng trăm vụ báo cháy về số 114 của phòng cháy chữa cháy ngày càng tăng cao. Theo Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM, Chỉ riêng trong tháng 2/2010, với 150 vụ cháy được báo về Sở thì đã có đến 65 vụ là cháy cỏ, tăng 195% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 3, con số các vụ cháy cỏ cũng được ghi nhận ở mức cao tương tự.  Cá biệt, trong ngày 16/3/2010, TP có 18 vụ cháy xảy ra thì lại có đến 17 vụ là cháy cỏ. Có ngày, phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy quận  9 phải xuất xe đi xử lý 7 vụ cháy nằm rải rác tại các quận 2, 9, Thủ Đức và tất cả đều là cháy cỏ.

Không chỉ ở TP mà tại các địa phương khác cũng hết sức lo lắng. Nhiều vụ cháy nhà do bất cẩn trong khi đốt rơm rạ, cỏ của người dân ở nông thôn xảy ra ngày càng nhiều hơn. Ngoài ra, đốt rơm rạ cũng tạo nên một lượng khó mù mịt làm cho nhiều người vô tình bị tai nạn giao thông thiệt mạng. Điển hình như trường hợp của chị Trần Thị Kim Tuyết, công tác tại Bệnh viện Nguyễn Văn Tuyên, Huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, khi  điều khiển xe máy từ thị trấn Tân Trụ về TP Tân An đến đoạn cách ngã tư Lạc Tấn khoảng 500 mét thuộc ấp 5, xã Lạc Tấn, do khói đốt đồng bao phủ mù mịt, không nhìn rõ đường, chị Tuyết đã lách xe sang lề phải và va chạm mạnh vào một xe tải chạy gần bên. Tai nạn làm chị Tuyết thiệt mạng tại bệnh viện khi đang mang thai gần bốn tháng. Theo thống kê của chi cục kiểm lâm tỉnh Cà Mau, từ đầu mùa khô đến nay, trên lâm phần U Minh hạ đã xảy ra 6 vụ cháy rừng, trong đó riêng tháng 3, giai đoạn bước vào cao điểm của mùa khô xảy ra 5 vụ. Kết luận điều tra ban đầu của ngành chức năng tỉnh Cà Mau cho thấy do một số nông dân lén lút đốt đồng và khai thác mật ong trái phép nên đã gây cháy nhưng rất may là các vụ cháy đó đã được lực lượng bảo vệ rừng kịp thời phát hiện, nhanh chóng dập tắt, không để cháy lan nên đã giảm được thiệt hại về tài nguyên rừng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy cỏ, cháy nhà, cháy rừng,… trong thời gian qua là do người dân tự đốt để phát quang hoặc do đốt rác, vứt tàn thuốc tạo nên, hầu hết các vụ cháy này xảy ra ở các vùng nông thôn, nhất là ở các khu đất đã quy hoạch dự án nhưng chủ đầu tư chưa triển khai. Ngoài ra, việc đốt rơm rạ trên đồng cũng đang  là nỗi niềm lo lắng của nhiều người.

Có thể nói, việc vô ý vứt tàn thuốc gây cháy, việc người dân tự ý đốt rác, đốt cỏ trong mùa hanh khô, việc đốt đồng, dùng lửa lấy mật ong trong rừng như hiện nay là cực kỳ nguy hiểm, hậu quả khó lường. Theo lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy thì thông thường tốc độ cháy lan của cỏ, rơm rạ rất nhanh, có khi lên đến 25mét/phút, người dân tự đốt mà không có biện pháp khống chế sẽ dễ lây lan đến nhà cửa, kho tàng gần đó. Do vậy, ngoài việc thực hiện triệt để các phương án phòng chống cháy nổ mùa khô theo phương châm "4 tại chỗ", các cơ quan chức năng cần kết hợp với các ban ngành đoàn thể địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục đến từng hộ gia đình trong việc nêu cao ý thức phòng chống cháy; đối với rừng thì cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ mọi đối tượng ra vào rừng trái phép gắn với thường xuyên luồn rừng kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.  Với việc đốt cỏ, rác, rơm rạ,… trong mùa khô này, người dân tuyệt đối không được tự ý đốt mà khi đốt cần phải có phương án phòng chống cháy lan hoặc báo cáo với chính quyền địa phương để được hỗ trợ về nhân lực và các phương tiện chữa cháy khi cần. Có như vậy thì mới đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân xung quanh, hạn chế thấp nhất những vụ cháy đáng tiếc do bà hỏa gây ra./.   Minh Tâm