Vấn đề hôm nay: Mang thai hộ - Từ luật pháp đến thực tiễn

(VOH) - Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi 2014 đã chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 1 năm nay, trong đó cho phép 3 cơ sở y tế thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.

Đó là bệnh viện phụ sản Trung ương (Hà Nội), bệnh viện đa khoa trung ương Huế và bệnh viện Từ Dũ (TPHCM).

Đây quả thật là điều luật mang tính nhân văn khi mà tại nước ta hiện nay có hơn 1 triệu cặp vợ chồng bị vô sinh và ngày càng có xu hướng tăng cao, trong khi tỉ lệ sinh đều đặn giảm trong vòng 2 thập kỷ qua. Nước ta tiến vào giai đoạn già hóa dân số trước 7 năm so với dự kiến.

Hiện Bộ Y tế dự kiến sẽ cho phép 3 cơ sở đại diện 3 khu vực Bắc - Trung - Nam là bệnh viện Phụ sản TW, bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM, bệnh viện Đa khoa TW Huế thực hiện việc mang thai hộ. Ảnh minh họa: petrotimes

Vấn đề vô sinh đang là một gánh nặng của ngành y tế nước ta. Đã có không ít trường hợp để tìm được những tiếng cười trẻ thơ, những đôi vợ chồng có điều kiện đã lén lút thực hiện nhiều biện pháp như mua trứng, xin tinh trùng hoặc những gia đình có tiềm lực tài chính dồi dào thì lặng lẽ  ra nước ngoài thuê dịch vụ mang thai hộ. Chi phí thuê người mang thai hộ chẳng những không hề nhỏ mà khi trở về nước cũng rất khó khăn để làm giấy tờ, xác định hồ sơ nhân thân cho con của họ.  Luật hôn nhân gia đình sửa đổi có hiệu lực đã nhen nhóm lên niềm hy vọng của rất nhiều cặp vợ chồng mong muốn có một đứa con, tuy nhiên từ văn bản luật đến thực tiễn đời sống thì còn rất nhiều vấn đề phải bàn cãi.

Thứ nhất, chuyện có hay không  sợi dây tình cảm giữa người mang thai hộ và đứa trẻ, mặc dù về mặt kỹ thuật em bé được tạo ra từ sự kết hợp giữa trứng của người vợ và tinh trùng của người chồng thụ tinh ống nghiệm để tạo phôi, sau đó cấy phôi vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai. Đứa trẻ sau đó sẽ được trao lại cho bố mẹ sinh học là cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Đã từng có chuyện người mang thai hộ không chịu giao con hoặc thậm chí bỏ trốn ngay trước ngày sinh nở.

Thứ hai, làm sao tránh khỏi phía người thuê mang thai hộ không chịu nhận con và nếu rơi vào hoàn cảnh này thì pháp luật xử lý ra sao? Cuộc sống vẫn có thể diễn ra tình huống cha mẹ sinh học không nhận con vì phát hiện con bị dị tật, bệnh lý  hay như  gia đình họ đang trong tình trạng ly thân hay li dị hoặc một trong hai người chết nên người còn lại từ chối nhận con. Luật cũng chưa lường hết trường hợp đứa bé lớn lên khi biết  sự thật thân thế của bản thân thì có thể nảy sinh một số vấn đề tâm lý, có nên xem người mang thai mình là mẹ?

Thứ ba, để hạn chế tình trạng thương mại hóa mang thai hộ thì Luật quy định chỉ cho phép chị em mang thai giúp nhau, ưu tiên là chị em ruột, tiếp theo là các chị em trong họ hàng bên nội bên ngoại. Thế nhưng với số lượng các cặp vợ chồng hiếm muộn ngày càng nhiều như hiện nay thì nguồn cung như vừa nêu ắt chẳng đủ cầu. Bên cạnh đó, quá trình mang thai đầy rủi ro nên sẽ không có nhiều chị em trong gia đình sẵn sàng giúp nhau. Lâm vào thế bí sẽ có các cặp vợ chồng tự tháo gỡ bằng cách tìm người ngoài dòng họ thuê mang thai hộ. Đến lúc đó, xã hội nảy sinh thêm những người môi giới, thậm chí một số phụ nữ nghèo sẵn sàng làm kinh tế bằng "nghề đẻ thuê". Biết dịch vụ đẻ thuê như vừa nêu nếu diễn ra trong đời sống XH là trái luật nhưng viễn cảnh đó cũng đặt ra cho những nhà làm luật phải tiếp tục nghĩ suy để Luật phát huy thực sự tính nhân văn và đáp ứng được nhu cầu chính đáng của nhiều gia đình hiếm muộn vô sinh.

Thêm một vấn đề nữa là về phía các cơ sở y tế được chấp thuận thực hiện các ca thụ tinh trong ống nghiệm - mang thai hộ, họ cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề pháp lý như kiện tụng hoặc giải quyết các trường hợp không nhận con và vấn đề sức khỏe của những người trong cuộc.

Mong muốn có con là nhu cầu chính đáng của bất kỳ cặp vợ chồng nào, mang thai hộ cũng không phức tạp về mặt kỹ thuật nhưng lại nảy sinh ra nhiều vấn đề về tâm lý, pháp lý đối với các bên liên quan trong quá trình triển khai thực hiện.

Thiết nghĩ, để tính nhân văn và pháp lý của Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi thực sư song hành thì các cặp vợ chồng phải được tư vấn tâm lý một cách kỹ lưỡng và người mang thai hộ cũng phải bị ràng buộc bởi các điều khoản chặt chẽ trong hợp đồng. Ngoài ra, pháp luật cũng cần phải nghiêm minh với hiện tượng thuê người mang thai hộ trái luật.