Vấn đề hôm nay: Những đóa hoa đời

(VOH) - Tối 25/10 vừa qua, Vòng Chung kết khu vực phía Nam, Hội thi “Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần I, năm 2014” đã chính thức khép lại với nhiều cảm xúc.

Sau 2 ngày tranh tài của 14 đoàn dự thi, ban tổ chức đã lựa chọn được 4 đại diện xuất sắc nhất sẽ tham dự Vòng chung kết toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội vào cuối tháng 11 sắp tới. Đó là đoàn “Sống như những đóa hoa” (TP.HCM), đoàn Bình Thuận, đoàn Trà Vinh và đoàn Hậu Giang.

Sau 3 tháng phát động, những người khuyết tật yêu nghệ thuật ở các tỉnh/thành Đông, Tây, Nam Bộ đã cùng tựu về gặp nhau tại vòng Chung kết khu vực phía Nam trong Hội thi “Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần I, năm 2014”.

Hơn 60 tiết mục trong 14 chương trình biểu diễn là 60 món quà dành tặng cho ngày hội lớn này. Có những món quà ngọt ngào hương sắc vùng đồng bằng sông nước, có những món quà mang hương vị mặn mòi biển khơi, cũng có món quà trẻ trung và đầy sức sống như Thành phố mang tên Bác – nơi đăng cai Vòng Chung kết khu vực.

Các thí sinh đều hân hoan, mong chờ được giao lưu niềm đam mê văn nghệ với những bạn bè đồng cảnh ngộ. Thí sinh Phạm Thúy An – đoàn Cần Thơ, nôn nao chia sẻ cảm xúc của mình khi đến với cuộc thi: “ Tôi cảm thấy rất vui vì được diễn trên sân khấu như người bình thường khác, khiến mình thấy tự tin hơn. Mỗi người một công việc nên cũng khó khăn, phải dành ra thời gian mỗi ngày để tập luyện, cực nhưng vui, đợi đến ngày được đi biểu diễn..."

Còn với Vũ Công Hào – đoàn TP.HCM: "Cuộc thi này đã kết nối, gắn kết tất cả các anh chị em khuyết tật trên toàn quốc, đó là ý nghĩa lớn nhất. Ý nghĩa nữa là đem đến tình yêu âm nhạc cho tất cả mọi người và đặc biệt là qua đó cũng góp phần khẳng định cho những người không khuyết tật cái nhìn khách quan hơn về người khuyết tật chúng tôi".

Với những khiếm khuyết cơ thể, các thí sinh càng phải tập luyện khổ công hơn rất nhiều lần so với người thường để có được những tiết mục hấp dẫn gửi tặng khán giả. Vậy nhưng mọi nhọc nhằn, cản trở dường như không thể làm họ nản lòng bỏ cuộc, trái lại, càng khiến cho những trái tim bản lĩnh càng thêm mạnh mẽ, vững vàng và quyết tâm cao độ. Để rồi “những điều trông thấy” trong phần biểu diễn của các thí sinh khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiê, xen lẫn khâm phục.

Những giọng ca dẫu còn run rẩy nhưng thật xúc cảm, động tác múa còn đôi chỗ ngập ngừng nhưng cũng khéo léo không thua gì nghệ sĩ thực thụ. Các chương trình biểu diễn không chỉ chinh phục được khán giả mà còn khiến cho bao vị “huấn luyện viên”, ê kíp hỗ trợ đồng hành cũng vô cùng tự hào.

Biên đạo Kim Vương – Đoàn Trà Vinh cùng chị Trần Thị Hiên - Đoàn Phú Yên và anh Lê Quốc Huy - Đoàn Bến Tre là các hỗ trợ viên của thí sinh bày tỏ: “Tập luyện cũng khó nhưng các bé rất ý chí và tập trung, khi dựng bài cho các bé tôi rất có động lực làm việc. Người khuyết tật rất ý chí và mạnh mẽ, các em rất đam mê, không bao giờ nhụt chí mà luôn vượt lên trên nghịch cảnh để sống, để yêu đời... Các em quyết tâm phải ra được Hà Nội biểu diễn".

Một tiết mục tại hội thi - Ảnh: QĐND.

14 đoàn đã mang đến hội thi lần này nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như hòa tấu, hát, độc tấu, múa, và đặc biệt là múa bóng. Tuy nhiên, trên tổng số hơn 60 tiết mục thì mới chỉ có 8 tiết mục ở thể loại múa. Chất lượng giữa các đơn vị cũng chưa thật đồng đều và một số chương trình còn đơn điệu.

Đánh giá về chất lượng cuộc thi, NSƯT Ca Lê Hồng – Trưởng ban giám khảo nhận xét: “Có thể nói hầu hết các tiết mục, các diễn viên, nhạc công đều hát múa từ những trái tim khát vọng nồng nàn, đầy lửa đam mê, tỏa sáng niềm lạc quan, tươi vui, khiến ban giám khảo  rất xúc động về tinh thần vượt lên chính mình. Các tiết mục cần sắp xếp nhanh gọn, khoa học sao cho khi chuyển tiết mục đảm bảo thời lượng; các tiết mục cổ cũng nên chọn lựa ngắn gọn hơn".

Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, ban tổ chức đã trao giấy khen cho 14 đơn vị tham dự; 28 Huy chương Bạc và 14 Huy chương Vàng tiết mục.

Có phần thể hiện xuất sắc với các tiết mục “Tự nguyện”, “Khát vọng”, “Một đời người – Một rừng cây”, “Đâu rồi lời ru” và “Ánh sáng cuộc đời”, đoàn TP.HCM đã chinh phục khán giả và ban giám khảo với 5 Huy chương Vàng.

Khi cái tên “Sống như những đóa hoa” (TP.HCM) rồi đến Bình Thuận, Trà Vinh và Hậu Giang được ban tổ chức xướng lên để đại diện thi tài tại Hà Nội thì các diễn viên đã không giấu nổi niềm xúc động cho tất cả những nỗ lực đã cống hiến. "Cảm xúc vỡ òa, quá bất ngờ và không thể nào diễn tả được. Sau cái niềm vui này, mình sẽ cố gắng tập luyện tốt hơn nữa để mang đến Hà Nội phần trình diễn thật thành công", Chị Vũ Thị Kim Thủy – thành viên đoàn TP.HCM phấn khởi nói.

Hội thi khu vực phía Nam khép lại trong cảm xúc lâng lâng của tất cả mọi người. Các thí sinh hẳn sẽ có một kỉ niệm thật đáng nhớ về hành trình thăng hoa “Những trái tim khát vọng”. Những “nghệ sĩ" khuyết tật đã dành tặng món quà nghệ thuật thay cho lời tri ân với những tấm lòng nhân ái, biết đồng cảm và sẻ chia cùng bao số phận không may, những người đã tổ chức, đồng hành cùng sân chơi ý nghĩa này. Và cuộc sống này cũng muốn trao ngược lại các “thí sinh đặc biệt” lời cảm ơn đầy trân trọng. Họ giống như “những đóa hoa đời” vẫn ngạt ngào tỏa hương, dẫu có “tàn” nhưng không “phế”. Cùng với “Những trái tim khát vọng” họ đã tạo nên câu chuyện thật đẹp về nghị lực sống và niềm tin, xứng đáng để cả những người bình thường phải nghiêng mình thán phục! 

Bình luận