Đăng kiểm xe cơ giới. Ảnh minh họa- http://giaothongvantai.com.vn
Theo Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, hiện tượng này là có thật, nguyên nhân là các trạm đăng kiểm bỏ sót hoặc không thực hiện đúng quy trình kiểm định do gửi gắm, quen biết hoặc tiêu cực. Cho nên có những phương tiện không đạt các tiêu chuẩn về thông số kỹ thuật vẫn được cấp giấy phép kiểm định lưu hành. Chứng minh cho hiện tượng này là trong năm 2012, qua sắp xếp lại tổ chức, Cục đăng kiểm Việt Nam đã sa thải, kỷ luật nhiều cán bộ công nhân viên trong ngành đăng kiểm vì hành vi tiêu cực. Đồng thời, mạnh dạn cho áp dụng hệ thống quản lý kiểm định kỹ thuật phương tiện ISO rất nghiêm ngặt, trong đó có nhiều trạm đăng kiểm cho lắp hệ thống camera theo dõi hoạt động của trạm để nâng cao chất lượng kiểm định và hạn chế tiêu cực.
Với cách đổi mới trong hoạt động quản lý như vậy, đến nay hoạt động của các
trạm đăng kiểm đã chấn chỉnh được phần nào. Tuy vậy, gần đây, tiếp tục xảy ra
nhiều vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng liên quan đến kỹ thuật phương tiện
từ xe khách và xe tải, khiến cho người dân và các cơ quan quản lý nhà nước vẫn
chưa yên tâm và còn nhiều băn khoăn về công tác thực hiện quy trình kiểm định kỹ
thuật phương tiện của các trạm đăng kiểm. Theo Cục đăng kiểm VN, đến hết năm
2013, sẽ lắp toàn bộ camera ở tất cả các trạm đăng kiểm và Bộ trưởng Bộ GTVT
cũng đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra lại hoạt động của các trạm đăng kiểm là việc
cần làm trước nguy cơ tai nạn giao thông do lỗi kỹ thuật phương tiện gây ra hiện
nay và sau này. Nhưng theo chúng tôi để không còn xảy ra tiêu cực và thực hiện
đúng quy trình kiểm định, ngành đăng kiểm VN trong quá trình đổi mới quản lý
cũng cần rà soát lại các thông số kỹ thuật trong quy trình kiểm định hiện nay.
Những điều chưa rõ, bất hợp lý hoặc cần bổ sung thì điều chỉnh cho phù hợp với
tình hình mới để công tác kiểm định kỹ thuật phương tiện chính xác hơn, rút ngắn
thời gian kiểm định, tạo thuận lợi cho chủ xe và tránh những tình huống bỏ sót
công đoạn kiểm tra dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn do lỗi kỹ thuật sau khi đăng
kiểm. Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp và chủ xe cũng không nên có những việc làm
nhằm đối phó với cơ quan đăng kiểm như thay phụ tùng mới trước khi đưa xe đi
đăng kiểm. Thay vào đó, chủ xe nên giữa 2 kỳ đăng kiểm, cách nhau 6 tháng tiến
hành bảo dưỡng xe hoặc trước khi xe khởi hành, xuất bến buộc tài xế, phụ xe kiểm
tra xe kỹ càng rồi mới cho lưu thông. Đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng thiết
bị giám sát hành trình gắn trên xe theo quy định có chất lượng và đầy đủ chức
năng, góp phần cùng với cơ quan chức năng làm tốt công tác an toàn giao thông.