Tiêu điểm: Nhân Humanity

VĐHN: Bảo tồn di sản là nghĩa vụ thiêng liêng

(VOH) - Đờn ca tài tử của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tin vui này vừa đến từ Hội nghị Ủy ban Liên Chính Phủ lần 8 của UNESCO diễn ra ở thành phố Bake, nước Cộng hòa Aizerbaijan. Đây quả là một tin vui nức lòng đối với cả dân tộc Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các loại hình giải trí, trào lưu văn hóa du nhập từ thế giới vào nước ta như vũ bão, phân hóa xu hướng cảm thụ về văn hóa của một bộ phận giới trẻ trong một vài thập niên trở lại đây.

Bằng việc công nhận này của UNESCO, từ đây, một loại hình văn hóa đặc sắc của Nam bộ có điều kiện được bảo tồn, phát huy cùng với các di sản văn hóa phi vật thể khác của nước ta đã được thế giới công nhận trước đó như: ca trù, hát xoan, dân ca quan họ ở Bắc Bộ, nhã nhạc cung đình Huế ở Trung bộ, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…

Đờn ca tài tử có nguồn gốc từ Nhã nhạc cung đình Huế, có tuổi thọ chỉ mới hơn 100 năm nay. Và tuy xuất thân từ một loại hình nghệ thuật cao cấp ở cung đình, nhưng đờn ca tài tử qua quá trình phát triển đã nhanh chóng ăn sâu vào tâm thức, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam bộ, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tính đại chúng của đờn ca tài tử thể hiện rõ nét trong các chương trình văn nghệ, các buổi sinh hoạt, họp mặt của giới bình dân. Một câu vọng cổ ngẫu hứng, một bản ca cải lương với âm hưởng ngọt ngào đều được đông đảo người xem, người nghe tán thưởng. Các tiết mục ca cổ hiếm hoi gần như trở thành “đặc sản” trong các chương trình văn nghệ hát cho nhau nghe được tổ chức hằng đêm. Khác với một số loại hình văn hóa dân gian khác, đờn ca tài tử không chỉ được hình thành và thăng hoa ở không gian văn hóa Nam bộ, mà môn nghệ thuật này còn lan tỏa trên bình diện cả nước. Bằng chứng là trong các cuộc thi như Bông lúa vàng, Hoa sen vàng, các thí sinh đến từ miền Trung, miền Bắc hát cải lương có độ mượt mà không thua kém gì các thí sinh đến từ cái nôi của cải lương là Nam bộ.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng so với vài thập niên trước đây, thì đờn ca tài tử trong thời gian gần đây tuy không phát triển một cách ồn ào, phô trương, các nhà hát cải lương không còn sáng đèn hằng đêm với lượng khán giả đông kín như thời vàng son trong quá khứ, nhưng sức sống của đờn ca tài tử vẫn được khẳng định qua việc lưu truyền một cách tự nhiên trong đời sống thường nhật của người dân. Qua thống kê chưa đầy đủ cho thấy: hiện nay trên cả nước có hơn 2.200 Câu lạc bộ đờn ca tài tử với gần 14.000 thành viên, trong đó người nhỏ nhất là 6 tuổi và lớn nhất là 99 tuổi.

Minh chứng hùng hồn cho sự trường tồn và đại chúng của đờn ca tài tử chính là ở đó.



Liên hoan Đờn ca tài tử giải Hoa sen vàng do Đài TNND TPHCM phối hợp với Trung tâm văn hóa TPHCM tổ chức được đông đảo khán thính giả quan tâm (ảnh: K.Huân)

Với Đài TNND TPHCM, sự kiện đờn ca tài tử được công nhân là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã làm thỏa lòng cho những nỗ lực không mệt mỏi của Đài trong việc duy trì và chắp cánh cho những giọng ca hay có dịp được tỏa sáng, bay xa. Qua các cuộc thi đờn ca tài tử được tổ chức hàng tuần, hằng ngày trên các làn sóng của Đài, cả thí sinh thi hát và người thưởng thức đều cảm nhận chung một điều là môn nghệ thuật này có sức hấp dẫn đến lạ kỳ. Từ nay, những người mộ điệu cải lương sẽ tự hào hơn khi môn nghệ thuật gần gũi với đời sống, nay đã trở thành tài sản quý của nhân loại, được thế giới tôn vinh.

Cùng với các giá trị văn hóa phi vật thể khác của Việt Nam, đờn ca tài tử đã chính thức góp một gam màu tươi sáng cho bức tranh văn hóa vốn đa dạng và mang đậm dấu ấn vùng miền của đất nước hình chữ S. Chắc chắn là từ đây, đờn ca tài tử sẽ được Nhà nước chú trọng đẩy mạnh hơn sau những nỗ lực của ngành chức năng để môn nghệ thuật này được thế giới công nhận, bởi một trong những tiêu chí để được công nhận là di sản văn hóa của thế giới, là phải có các cam kết bảo đảm cho các giá trị văn hóa có sức sống mạnh mẽ và không bị mất đi trong đời sống hiện đại.



Các giá trị văn hóa có ý nghĩa rất lớn lao trong việc khẳng định sự khác biệt của dân tộc này với các dân tộc khác. Đờn ca tài tử của Việt Nam, hoàn toàn xứng đáng nhận được sự đầu tư xứng tầm hơn, bởi với những thành tựu và tiềm năng vốn có của mình, đờn ca tài tử đã khẳng định được điều thiêng liêng nhất, đó là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Bình luận