VĐHN: Cần chính sách đặc thù

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tháng 1-2011, cả nước đã có 40 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép với tổng vốn đăng ký 182,3 triệu USD. Riêng tại Long An, trong tháng 1-2011 tỉnh đã cấp phép mới cho 5 dự án với tổng vốn 3,2 triệu USD. Đây là những tín hiệu mới, chứng tỏ làn sóng đầu tư vào Việt Nam đã mạnh trở lại sau thời kỳ suy thoái kinh tế.

ĐBSCL, với lợi thế đặc biệt về nông thủy sản, đến nay vẫn khó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân về cơ chế, chính sách. Nếu như xu thế chung của cả nước là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp thì với ĐBSCL, đã đến lúc cần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế như một số vùng khác hay chưa? Hay là vẫn tiếp tục phát huy lợi của các ngành nông nghiệp, thủy sản và chế biến nông thủy sản?

Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành trong vùng đã nỗ lực đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị dự án nhằm thu hút nhanh nguồn vốn nước ngoài, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù chính quyền các địa phương trong vùng đã rất chú trọng đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, song kết quả thu lại vẫn chưa như mong đợi. ĐBSCL giàu tiềm năng, nhưng vẫn chưa trở thành điểm hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Với điều kiện kinh tế - xã hội giống nhau, khi lập dự án mời gọi đầu tư, hầu như giữa các địa phương ít có điểm khác biệt. Do vậy, không phát huy được lợi thế của từng tiểu vùng và xu hướng mạnh ai nấy làm đã trở thành lực cản. Trong vài năm gần đây, hầu như năm nào các tỉnh, thành trong vùng cũng tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư khá tốn kém.

Nếu các địa phương cứ đứng riêng rẽ như trong thời gian qua, thiếu liên kết, phối hợp, thu hút FDI vào ĐBSCL chắc chắn ngày sẽ càng khó khăn hơn. Trong khi chờ đợi chính sách chung, các địa phương cần tập trung củng cố, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ và môi trường đầu tư những KCN hiện có để thu hút các nhà đầu tư trong và nước ngoài.

Đặc biệt, các địa phương cần tìm những lợi thế khác để phát triển chứ không thể dựa vào những lợi thế về giá thuê đất rẻ, lao động, tài nguyên… vì những lợi thế này chỉ có thể tồn tại nhất thời. Trong xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay, những ưu thế đó dễ dàng dịch chuyển từ vùng này sang vùng khác, lãnh thổ này sang lãnh thổ khác.

Một vấn đề nữa, để đẩy nhanh thu hút đầu tư FDI vào ĐBSCL, nhằm khai thác những tiềm năng quan trọng của vùng đất này, bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện nguồn nhân lực, việc xây dựng cơ chế, chính sách chung cho cả vùng là hết sức cần thiết. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua Bộ KH-ĐT đã xây dựng đề án “Xây dựng chính sách đặc thù để thu hút đầu tư tại ĐBSCL”.

Theo đó, đề án có các nhóm giải pháp về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL và vùng Kinh tế trọng điểm ĐBSCL; quy hoạch diện tích trồng lúa phục vụ mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; đổi mới chính sách đất đai; điều chỉnh quy hoạch và chiến lược phát triển thủy sản; quy hoạch vùng chuyên canh trồng cây ăn quả; xây dựng các tuyến du lịch theo hướng đa dạng về nội dung và thời gian lưu trú; rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch các khu, cụm tuyến công nghiệp và hàng loạt các giải pháp kinh tế - xã hội quan trọng khác.

Theo Bộ KH-ĐT, thu hút FDI vào ĐBSCL cần kiên quyết nói không với các dự án tác động xấu đến môi trường và xã hội; tránh những chính sách, cơ chế mang lại lợi ích cho địa phương này nhưng lại ảnh hưởng đến lợi ích các địa phương lân cận vì thiếu tính liên kết; đảm bảo sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư thuộc nhiều thành phần kinh tế trong cùng một lĩnh vực. Khi chính sách đặc thù này được ban hành, cùng với sự nỗ lực của các địa phương, ĐBSCL chắc chắn sẽ có bước đột phá quan trọng trong thời gian tới.

Bình luận