Nông sản Trung Quốc ngập chợ (Ảnh: Vietnamnet) |
Theo Chi cục Bảo vệ Thực vật TP.HCM, có tới 30% mẫu trái cây Trung Quốc lấy từ các chợ trong TP gần đây đều có lượng tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật cao gấp 3-4 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Và đây cũng không phải là đợt phát hiện duy nhất trong năm nay.
Hồi tháng 5 vừa qua, cũng đã có tới hơn 300 tấn rau củ Trung Quốc nhập vào thành phố bị phát hiện có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Còn năm 2013, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện 17 lô hàng nông sản Trung Quốc với cả chục ngàn tấn trái cây, rau củ có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao, vượt mức cho phép, bày bán công khai ở các chợ nội ngoại thành.
Những phát hiện này càng khẳng định mối lo lắng lâu nay của người tiêu dùng về sự độc hại của trái cây, rau củ nhập về từ Trung Quốc. Dư luận đã từng cảnh báo các loại độc tố, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong hàng nông sản Trung Quốc có thể gây tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng với đủ loại biến chứng, nguy hiểm như gây ung thư, suy gan, suy thận cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển nòi giống sau này.
Điều đáng lo ngại là mặc dù đã được báo động từ lâu nhưng cho đến nay các loại rau củ, trái cây của Trung Quốc chưa kiểm định độc tố vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường. Thậm chí có người bán còn dán nhãn "hàng nội", hàng "made in Việt Nam" để dễ tiêu thụ, khác nào "nối giáo cho giặc" làm tổn hại đến uy tín và chất lượng của rau củ, trái cây nước ta.
Rõ ràng tình hình nhập khẩu các loại nông sản Trung Quốc ở biên giới phía Bắc còn rất nhiều bất cập. Cần phải thẳng thắn nhìn nhận, khâu kiểm dịch ở các cửa khẩu còn tồn tại rất nhiều hạn chế. Lực lượng kiểm dịch mỏng, trang thiết bị kiểm dịch còn ít ỏi, thô sơ. Được biết, các thiết bị hiện có chỉ kiểm tra được khoảng 30% các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục. Muốn kiểm tra kỹ lưỡng thì phải gửi mẫu về các Trung tâm kiểm nghiệm tại Hà Nội, công đoạn này cũng mất từ 7-10 ngày, trong khi lưu lượng hàng hóa thông quan ngày càng gia tăng.
Đành rằng việc thông quan các lô hàng khi chưa biết kết quả kiểm tra là chính sách thông thoáng của nhà nước ta nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hàng hóa không bị ùn ứ tại cửa khẩu, nhưng do gần đây, phía nước ngoài có biểu hiện thiếu hợp tác, im lặng và không phản hồi tích cực trước các khiếu nại của ta về mức độ mất an toàn thực phẩm của các sản phẩm xuất khẩu càng khiến chúng ta phải cảnh giác cao và thận trọng hơn để tránh nhập khẩu một cách ồ ạt những nông sản hàng hoá độc hại, kém chất lượng, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng trong nước.
Vấn đề không dễ dàng nhưng đang là nhu cầu cấp bách đòi hỏi các bộ ngành chức năng cần tăng cường năng lực kiểm dịch, cả về con người lẫn trang thiết bị hiện đại ngay từ các cửa khẩu biên giới về các địa phương. Đồng thời bản thân những người kinh doanh các mặt hàng này cũng cần nâng cao trách nhiệm, loại bỏ tư tưởng hám lợi, coi nhẹ sức khỏe người tiêu dùng để góp phần làm lành mạnh thị trường nông sản nội địa.
Hiện nay, đang có một tâm lý rõ rệt của người tiêu dùng Việt Nam là tẩy chay, không mua, không tiêu thụ các sản phẩm rau củ quả, trái cây độc hại của Trung Quốc. Đó là phản ứng tích cực của thị trường trước những họat động sản xuất kinh doanh thiếu đạo đức, chỉ biết ham lợi, bất chấp quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Hẳn đây cũng sẽ là những bài học bổ ích cho những người trồng cây, làm vườn ở Việt Nam nếu không muốn những nông sản hàng hóa do mình làm ra lại bị người tiêu dùng lạnh nhạt, tẩy chay như đã quay lưng với một số loại rau củ trái cây độc hại nhập khẩu từ Trung Quốc.