VĐHN: Quan niệm mới xóa rào cản kỳ thị

(VOH) - Kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại Mỹ vào năm 1981, cho tới nay, loài người đã vất vả chống chọi ngót gần 30 năm với đại dịch HIV/AIDS. Biết bao tiền của, công sức đã đổ ra, bao tấm gương của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã làm việc và đấu tranh không mệt mỏi để xã hội giảm bớt ánh nhìn khinh miệt với người nhiễm.

Ở Việt Nam, trường hợp đầu tiên nhiễm HIV được phát hiện vào tháng 12/1990. Và sau đó vài năm, dịch bệnh bắt đầu tăng nhanh không thể kiểm soát. Có thể nói, trong thời điểm đó khi HIV/AIDS vẫn còn khá xa lạ, chưa biết tường tận thì đã dấy lên một làn sóng cực kỳ nguy hiểm, đó là sự kỳ thị.

 
 Sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng sẽ giúp những người nhiễm HIV mạnh dạn hòa mình vào cuộc sống (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Tại các thành phố lớn của Việt Nam, nói đến HIV/AIDS, người người ai nấy đều cảm giác bất an, lo sợ và ngại ngùng, sợ sệt khi tiếp xúc với người nhiễm. Tâm lý ấy lan truyền một cách nhanh chóng đến các vùng quê hẻo lánh đến nỗi ai nấy đều nghĩ là lỡ dính vào HIV/AIDS chỉ còn đường chết vì xã hội xa lánh, hệ thống điều trị thì lại không có, người nhiễm chẳng biết bấu víu vào đâu…

Qua sự chia sẻ của nhiều bệnh nhân với chúng tôi, họ bộc bạch, điều đáng sợ nhất như liều thuốc “tử” với mình đó là sự kỳ thị. Dù rằng với sự tuyên truyền tích cực từ truyền thông, nhưng không thể thay đổi định kiến một cách dễ dàng khi ai cũng nghĩ nhiễm HIV đồng nghĩa với xấu xa, là tệ nạn xã hội, phải xa lánh, tránh càng xa càng tốt…

Chính điều này đã khiến nhiều bệnh nhân phải tìm đến cái chết vì không thể vượt qua rào cản đầy ám ảnh. Tuy vậy, dần dần, với nỗ lực từ nhiều phía trong công cuộc phòng chống AIDS, cho đến nay, rào cản ấy dần được xóa bỏ …

Phát biểu gần đây nhất, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP.HCM - Tiến sĩ, bác sĩ Lê Trường Giang khẳng định HIV/AIDS là bệnh mãn tính có thể kiểm soát được. Nếu một người nhiễm HIV được phát hiện và điều trị sớm, thì có thể kéo dài thời gian sống lên đến 40 năm. Thông tin này mang lại niềm vui vô cùng lớn lao và là động lực giúp cho bệnh nhân HIV/AIDS vui sống và sống có ích cho xã hội. Vì nếu đã là bệnh mãn tính thì nó cũng giống như bao loại bệnh khác như tim mạch, đái tháo đường hay viêm gan mà thôi… Điều đáng nói là nếu điều trị sớm và đủ thuốc thì thời gian sống của bệnh nhân AIDS sẽ còn kéo dài hơn nữa. Thêm vào đó, giờ đây hệ thống y tế tiếp cận với người nhiễm đã rộng khắp, thuốc và chi phí điều trị cũng thấp hơn rất nhiều so với trước kia, người nhiễm có thể chủ động tiếp cận.

Rõ ràng, nhiều con đường đã rộng mở với bệnh nhân HIV/AIDS. Rào cản tâm lý hình như đã từ từ xóa bỏ, ngày nay, người nhiễm HIV/AIDS đã mạnh dạn hòa mình vào cuộc sống hiện tại, công khai danh tính, tự tin lập nghiệp mà không hề có sự tự ti. Điều này có được là nhờ cả quá trình đấu tranh không mệt mỏi mà có lẽ, giới truyền thông cũng góp phần lớn lao vào sự thay đổi đó.

Người và người đã nối lại tình yêu thương, không còn khoảng cách bệnh tật ám ảnh là ranh giới. Sự thay đổi làm cho bản thân người bệnh cảm thấy ấm áp hơn, không còn cô quạnh. Thế mới thấy, tình người quan trọng biết nhường nào. Và nói như Tiến sĩ, bác sĩ Lê Trường Giang - người đã nhiều năm kinh nghiệm lăn lộn với cuộc chiến HIV/AIDS thì chúng ta hoàn toàn có khả năng tiếp tục khống chế, đẩy lùi và tiến đến kết thúc đại dịch. Càng vui hơn khi người nhiễm ngày nay đã được nhìn dưới góc độ khác, cách nhìn khác, góc độ của bệnh tật chớ không phải là tệ nạn hay điều gì ghê gớm!