17giờ 30 phút ngày 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy tướng de Castries. Ảnh tư liệu |
Trong những ngày tháng 5 này, cả nước long trọng kỷ niệm tròn 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ĐBP). Có thể nói trận quyết chiến chiến lược giữa quân đội viễn chinh Pháp và lực lượng Việt minh mà kết cuộc phần đại thắng nghiêng về đoàn quân của Tướng Võ Nguyên Giáp khi ấy mới tròn 10 năm tuổi, đã làm cho cả Thế giới phải kinh ngạc và khâm phục. Chọn ĐBP làm cứ điểm chiến lược với hy vọng lấy lại thế và lực ở Đông Dương, Pháp đã dồn hầu như toàn bộ lực lượng tinh nhuệ gồm 16.000 quân, nhiều máy bay, xe tăng và pháo hạng nặng… lại được sự hậu thuẫn về quân sự của Mỹ để đối đầu với quân đội Việt Nam - tuy có trội hơn về số lượng, nhưng lại thiếu vũ khí tối tân và đặc biệt là thiếu kinh nghiệm đánh trận cấp tiểu đoàn, trong thế lực hoàn toàn không cân xứng. Cái khó lớn nhất của ta còn là làm thế nào để có thể tiếp tế vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm cho chiến trường trong điều kiện đèo, dốc và núi non hiểm trở. Với thế trận như vậy, thực dân Pháp nuôi hy vọng giành thế chủ động, đánh phủ đầu và tiêu diệt nhanh gọn đối phương…
Nhận trọng trách từ Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ nguyên Giáp - Tổng tư lệnh của chiến dịch, cùng với các đồng chí của mình đã bằng mọi cách huy động tổng lực của quân và dân cả nước vào trận quyết chiến. Trọng pháo và vũ khí, khí tài, thực phẩm lên Điện biên bằng sức lực và đôi vai của bộ đội, của dân công hỏa tuyến và cả lực lượng xe đạp thồ của nông dân các địa phương - một trong những phương tiện vận tải độc đáo chưa từng có trong lịch sử quân đội của thế giới… Tài tình hơn, sau khi đã cân nhắc trong 11 ngày đêm, Đại tướng quyết định chuyển từ phương châm đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc để tiêu diệt và làm suy yếu dần đối phương, đồng thời giảm thương vong ở mức thấp nhất cho bộ đội. Chính vì vậy mà trong vòng 56 ngày đêm liên tục- từ 13/3 đến 7/5/1954, quân và dân ta đã anh dũng, kiên trì và quyết tâm chủ động đánh địch, xoay chuyển từ thế bất lợi sang chủ động tiến công, dồn chúng vào đường cùng, để kết thúc cuộc chiến trong thắng lợi vẻ vang. Tướng Pháp Đờ-cát-tơ-ri và toàn bộ đoàn quân viễn chinh đã phải kéo cờ trắng đầu hàng. Có thể nói chiến dịch ĐBP là trận đánh lớn nhất trong chiến tranh Đông Dương và cũng là lần đầu tiên, quân đội của một nước từng là thuộc địa tại Châu Á, bằng quân sự, đã đánh thắng đội quân viễn chinh của một cường quốc Châu Âu. Chiến thắng ĐBP đã đánh bại ý chí duy trì thuộc địa Đông Dương và các khu vực thuộc địa tại Phi châu của Pháp và chỉ một ngày sau khi kết thúc chiến dịch - ngày 8/5/1954, tại Hội nghị Gèneve bàn về vấn đề Đông Dương, Pháp đã buộc phải công nhận quyền tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương - trong đó có Việt Nam. Chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại khu vực này và ảnh hưởng thắng lợi của ĐBP không chỉ dừng lại ở đó: năm 1967 Pháp đã buộc phải trao trả quyền độc lập cho tất cả các nước là thuộc địa của mình. Vậy là chiến thắng ĐBP lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu của Việt Nam đã đi vào lịch sử hiện đại của thế giới như vậy đó.
Thắng lợi vẻ vang của chiến dịch ĐBP chính là thắng lợi của chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta, của Chủ Tịch Hồ Chí Minh; là chiến thắng oanh liệt của quân đội nhân dân Việt Nam dưới tài cầm quân của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.
Chiến thắng lịch sử ĐBP đã đi cùng dân tộc ta trong suốt những tháng năm đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, được phát huy cao độ vào những giai đoạn gian khó và ác liệt nhất của đất nước. Đó là trận chiến Điện Biên Phủ trên không năm 1972, khi Mỹ đưa B52 dội bom ác liệt với ý đồ đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá và là đòn quyết định cho cuộc chiến Việt Nam. Không chịu khuất phục, quân và dân ta lại anh dũng đứng lên và trong 12 ngày đêm chiến đấu quyết liệt để bảo vệ Thủ đô và các công trình chiến lược của miền Bắc XHCN. 81 máy bay của không lực Hoa Kỳ - trong đó có 34 pháo đài bay B52 đã bị bắn hạ. Thua trận ĐBP trên không một cách ê chề và nhục nhã đã buộc Mỹ phải tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán 4 bên để ký Hiệp định Paris, ngừng chiến hoàn toàn tại miền Nam. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975 đại thắng mang lại hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cho non sông đất nước ta. Tinh thần của trận ĐBP năm xưa đã đi cùng suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Bước ra từ cuộc chiến ác liệt và đi lên từ đổ nát và hoang tàn, mang trong mình hành trang và khí phách của chiến thắng Điện Biên, cả nước đã cùng vào trận mới - trận tuyến chống đói nghèo và đi lên ấm no hạnh phúc. Gần 40 năm sau ngày thống nhất, từ một quốc gia nghèo khó gặp muôn vàn khó khăn, Việt Nam đã vươn lên, tự đứng vững và tự khẳng định mình trước bạn bè quốc tế. Từ chỗ thiếu thốn về lương thực thực phẩm, chúng ta chẳng những đã đủ ăn đủ mặc, mà còn trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về lúa gạo, nông sản, thủy hải sản đồng thời góp thêm kinh nghiệm cho các nước đang phát triển về xóa đói giảm nghèo, về chiến lược phát triển dân số, về phổ cập giáo dục… Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Quyền của con người ngày một đảm bảo, tự do dân chủ được thực thi đầy đủ trong các mặt của đời sống xã hội…
Tuy nhiên, trong thực tế phát triển của đất nước hiện nay, đó đây đã thấy xuất hiện khá phổ biến tệ nạn nhũng nhiễu, tư lợi và sa sút phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. Điều này đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của Đảng, của chính quyền, gây bức xúc cho xã hội và giảm sút niềm tin nơi người dân. Đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị phát động là nhằm chỉnh đốn Đảng, khắc phục và sửa chữa những thiếu sót và việc làm sai trái đó. Góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ đảng viên và lành mạnh hóa đời sống xã hội. Đây là việc không dễ dàng và không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, song là chuyện cần phải làm để tạo dựng lại niềm tin và sự nhất trí cao trong toàn xã hội.
Kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - bản anh hùng ca bất diệt, là dịp để chúng ta – những con cháu của thế hệ đi sau, thêm tự hào về những trang lịch sử chói lọi và vẻ vang mà cha anh đã làm nên. Trong một thế giới đầy biến động và phức tạp như hiện nay thì thắng lợi của chiến dịch Điện Biên năm xưa như cổ vũ, thôi thúc và động viên chúng ta phải vượt lên để có thể hiên ngang tồn tại, phát triển bền vững và ổn định./.