Liên quan đến vụ việc của công ty Vinaca sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư bằng bột than tre với nhãn hàng Vinaca ung thư CO3.2, mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra vừa ra quyết định khởi tố vụ án "Sản xuất, buôn hán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”.
Một số mặt hàng thuốc của công ty Vinaca bị đoàn kiểm tra liên ngành niêm phong tại TPHCM
Đây cũng là động thái khá quyết liệt đến từ các cơ quan chức năng, đánh mạnh vào những hành vi vi phạm với các đơn vị, cá nhân đã bất chấp vì lợi nhuận mà không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài vụ việc vừa nêu, mấy ngày qua, dư luận cũng một phen bàng hoàng khi vụ việc cà phê trộn pin bị phát giác.
Đó là vụ cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp , tỉnh Đắk Nông bị lực lượng chức năng bắt quả tang trộn lõi pin vào cà phê, đã làm cho bao người bức xúc. Ai nấy cũng lên án hành vi vô cùng nhẫn tâm, xem nhẹ đạo đức kinh doanh, bất chấp sức khỏe với người tiêu dùng. Ông Hồ Đình Vỵ, cán bộ về hưu sinh sống tại Phường 7, Quận 8, mỗi sáng, đã thành thói quen sau khi tập thể dục thì ông ra quán uống một ly cà phê pha phin nóng. Mấy ngày qua, thông tin vụ việc này ngập tràn làm ông cũng vô cùng bức xúc, ông nói: "Đã xuất ra Bình Phước 3 tấn, chưa kể xuất lẻ tẻ sao biết được. Biết nguy hại mà vẫn làm, hành vi này vô cùng tác hại, nếu xét nghiệm thấy nguy hại tính mạng, sức khỏe, đời sống con người thì truy tố”.
Một số mặt hàng thuốc của công ty Vinaca bị đoàn kiểm tra liên ngành niêm phong tại TPHCM
Riêng với vụ việc sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư bằng bột than tre, ông Nguyễn Tấn Phúc, 65 tuổi, ngụ xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, hàng tháng ông đều đến bệnh viện khám điều trị bệnh huyết áp cao, tim mạch. Đặt hoàn cảnh mình là người bệnh đã quá khổ rồi, không may uống phải thuốc Vinaca ung thư CO3.2 như một sự bấu víu niềm tin thì quá bất nhẫn.
“Đứng ở góc độ bệnh nhân thì vô cùng phẫn nộ, đã mất tiền mà bắt mua thuốc không tác dụng gì cả, thuốc giả mạo. Đã đến nước này phải xử lí hình sự vì lừa gạt người tiêu dùng, gần như là giết người. Có người đã đến lúc gần đất xa trời mà còn mua phải thuốc giả mạo thì còn gì ác bằng”, ông Phúc quyết liệt.
So sánh với các nước trong xử lí vi phạm an toàn thực phẩm, bác sĩ Trần Văn Kí – Hội Khoa học kĩ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam nói: “Hiện nay ở Đức về an toàn thực phẩm giữa người sản xuất thực phẩm và cơ quan quản lí phải liên tục ra tòa để xử lí. Có thể xử hành chính hoặc hình sự, đó là sự phổ biến ở các nước tiên tiến. Họ giao cụ thể địa bàn cho cán bộ quản lí, nếu để xảy ra sự việc trên địa bàn thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Với vai trò cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại TPHCM, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố, đã nhiều lần lên tiếng, một trong những khó khăn hiện nay trong quản lý vấn đề an toàn thực phẩm ở chỗ: sự chồng chéo các quy định pháp luật, các quy định xử phạt chưa đủ nghiêm, chưa đủ mạnh, phương thức sản xuất kinh doanh còn manh mún nhỏ lẻ, chưa đủ lực lượng thanh tra.
Rõ ràng đã đến lúc chúng ta phải cần kiên quyết, mạnh tay hơn nữa với những hành vi quá tàn nhẫn, chạy theo đồng tiền không cần nghĩ đến sức khỏe người tiêu dùng ra sao, rồi nếu cứ sử dụng những sản phẩm này mà vụ việc không bị phát giác thì hậu quả như thế nào? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho sức khỏe người dân bị ảnh hưởng. Không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây, số lượng bệnh nhân ung thư lại không ngừng tăng mà có lẽ trong số nguyên nhân góp phần làm tăng tỷ lệ ung thư cũng bắt nguồn từ thực phẩm bẩn, kém chất lượng cũng như sử dụng phải hàng giả, hàng kém chất lượng mà chúng tôi vừa đề cập./.