Việc chưa đưa xử phạt xe không chính chủ vào dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính đang soạn thảo cũng như việc tạm dừng thông tư liên bộ 06 về việc xử phạt là một quyết định đúng đắn, cầu thị,ảnh minh họa: quan2.hcmcity |
Muốn thực hiện xử phạt cho nghiêm minh, được mọi người đồng tình thì khi xử
phạt phải chứng minh được hành vi vi phạm qui định pháp luật của người bị phạt.
Và việc chứng minh này phải được các cơ quan chức năng thực hiện, không thể bắt
người tham gia giao thông khi bị huýt còi phải chứng minh rằng anh không phạm
lỗi để anh không…bị phạt!
Cụ thể là việc chứng minh người tham gia giao thông
“đi xe của mình mà không chịu sang tên đổi chủ” và “biết mũ bảo hiểm dỏm mà vẫn
đội ”. Đó là việc của cơ quan chức năng. Không thể đùn đẩy cho người dân.
Hiện nay số người đi xe không sang tên đổi chủ khá nhiều, chiếm gần 40% số
người tham gia giao thông và số người đội mũ bảo hiểm không đúng qui chuẩn chiếm
đến 70% số người đội mũ bảo hiểm trên đường hiện nay. Rõ ràng cho thấy, thời
gian qua các cơ quan chức năng buông lỏng trách nhiệm quản lý nhà nước của mình
để tình trạng đến mức nặng nề như hiện nay. Ước tính, số người vi phạm 2 lỗi này
lên đến hàng triệu trường hợp phải xử phạt. Như vậy việc thực hiện phạt 2 lỗi
này vào thời điểm này khó khả thi. Việc xử phạt chắc chắn sẽ nhận được phản ứng
tiêu cực của số đông người vi phạm. Do đó, cần có thời gian để người vi phạm
khắc phục lỗi trước khi thực hiện xử phạt. Điều đó thể hiện tính nhân văn trong
việc thi hành pháp luật. Sau lộ trình cần thiết, khi đó nếu bị xử phạt, người bị
phạt cũng tâm phục, khẩu phục.
Qua việc xử phạt mũ bảo hiểm dỏm, xe không chính chủ thì ta lại đặt ra vấn đề:
đó là cơ quan chức năng phải chứng minh được hành vi vi phạm của người tham gia
giao thông trước khi xử phạt. Việc chứng minh hành vi vi phạm của người bị phạt
phải phù hợp với các luật, qui định đã được ban hành, khi triển khai thực hiện
không gây ảnh hưởng cho tình hình an ninh, trật tự giao thông của xã hội, không
gây phiền nhiễu cho người dân và cũng không tạo điều kiện để cho lực lượng xử
phạt nhũng nhiễu, nhận hối lộ. Nhiều vấn đề nan giải đặt ra cần giải quyết trước
khi thực hiện xử phạt như: một người mượn xe người khác đi, làm sao phân biệt với
người đi xe không sang tên đổi chủ? Hay như trường hợp mũ bảo hiểm đạt qui chuẩn
đang lưu thông trên đường nhưng không có tem hợp qui phải giải quyết như thế nào?...Bài học về quyết định buộc người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm vẫn còn đó,
những chủ trương, chính sách, quyết định có liên quan đến số đông người dân muốn
thực hiện thành công khi triển khai cần phải có lộ trình, có thời gian cho công
tác chuẩn bị, tổ chức thực hiện và quan trọng hơn nữa là cần thời gian để mọi
người nhận thức được sự cần thiết của chủ trương, chính sách đó.
Như thế, một lộ trình cần đặt ra trước khi thực hiện xử phạt là cần thiết nhằm
có thời gian để các cơ quan chức năng tháo gỡ các ràng buộc về mặt pháp lý, hoàn
chỉnh công tác tổ chức lực lượng, trang thiết bị xử phạt, thực hiện cải cách thủ
tục hành chính, giảm phí trước bạ trong việc sang tên đổi chủ xe, tạo điều kiện
thuận lợi nhất để người dân dễ dàng thực hiện các quy định pháp luật. Có như thế
khi thực hiện, người bị xử phạt mới đồng tình, xã hội đồng thuận. Việc xử phạt
mang đúng ý nghĩa của nó là răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật với
những ai cố tình vi phạm.