25% dân số Việt Nam bị tăng huyết áp - một trong những thách thức sức khỏe lớn nhất

VOH - Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế tại Việt Nam, ảnh hưởng đến hàng triệu người mỗi năm.

Tăng huyết áp là tình trạng khi áp lực máu trong động mạch tăng cao một cách kéo dài. Huyết áp thường được đo bằng hai chỉ số: huyết áp tâm thu (áp lực khi tim co bóp) và huyết áp tâm trương (áp lực khi tim nghỉ giữa các lần co bóp). Tăng huyết áp được chẩn đoán khi huyết áp tâm thu từ 130 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 80 mmHg trở lên.

Tại Hội nghị Khoa học Tim mạch lần thứ 2, diễn ra ngày 20/9/2024, ThS.BS Nguyễn Thị Việt Nga, Trưởng khoa Quốc tế, Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết rằng tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến các bệnh lý và tử vong. Với 25% dân số Việt Nam mắc phải, tăng huyết áp hiện là một trong những thách thức sức khỏe lớn nhất. Đây là tình trạng tăng huyết áp tâm thu (≥ 130 mmHg) hoặc huyết áp tâm trương (≥ 80 mm Hg) một cách liên tục khi cơ thể nghỉ ngơi.

Nhiều bệnh nhân trẻ, từ 20-30 tuổi, đã gặp phải biến chứng đột quỵ xuất huyết não mà không hề biết mình mắc bệnh, dẫn đến tử vong hoặc tàn phế nặng nề. Nếu không được kiểm soát, tăng huyết áp có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy thận mạn tính, suy tim và thậm chí gây mù lòa.

Bản sao của thumb liên cầu lợn (12)
Đo huyết áp thường xuyên giúp người bệnh phòng ngừa được các biến chứng khác từ căn bệnh này. Ảnh: Novartis

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 46% người mắc bệnh không biết mình bị tăng huyết áp, và chỉ 20% trong số họ kiểm soát được tình trạng bệnh. Huyết áp càng cao, nguy cơ tử vong càng lớn. Chính vì vậy, người bệnh cần điều trị sớm và đều đặn để giảm nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch. Việc điều trị hiện nay chủ yếu bằng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống như giảm muối, ngưng rượu bia, và tập luyện thể dục thường xuyên.

Trong hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cũng cho biết bệnh tim mạch và chuyển hóa đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam, tạo ra gánh nặng lớn cho cả người bệnh và xã hội. Ông cũng khuyến cáo cần nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị tại tuyến y tế cơ sở để giảm tải cho các bệnh viện lớn, đồng thời thúc đẩy các dịch vụ y tế trực tuyến giúp bệnh nhân tiếp cận điều trị sớm.

Tăng huyết áp thường không có triệu chứng rõ ràng, vì thế nó được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng.” Trong nhiều trường hợp, người bệnh chỉ phát hiện khi đo huyết áp định kỳ hoặc khi bệnh đã tiến triển nghiêm trọng. Một số trường hợp có thể gặp các triệu chứng như nhức đầu dữ dội, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, mờ mắt, đau ngực, hoặc chảy máu cam. Tuy nhiên, các dấu hiệu này thường xuất hiện khi huyết áp đã tăng cao đáng kể và có nguy cơ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.

Để phòng tránh bệnh, mọi người cần theo dõi huyết áp thường xuyên, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Điều quan trọng là duy trì lối sống lành mạnh, tránh căng thẳng và tự ý sử dụng thuốc không đúng cách.

Bình luận