Chờ...

3 chú ý chăm sóc cho trẻ mắc bệnh viêm phế quản

(VOH) - Vào mùa nóng, mùa lạnh hoặc giao mùa trẻ nhỏ dễ bị ho, cúm… nặng hơn là viêm phế quản. Cha mẹ cần chăm sóc trẻ kĩ, tránh để bệnh diễn tiến lâu, tái đi tái lại khiến bệnh chuyển sang mạn tính.

Trẻ mắc bệnh viêm phế quản nên ăn gì?

  • Uống nhiều nước: trẻ em bị viêm phế quản thường dễ bị mất nước hơn so với những người bình thường. Việc uống nhiều nước sẽ giúp cơ thể đào thải các độc tố khỏi cơ thể một cách dễ dàng, đồng thời nước giúp giảm triệu chứng khô họng, đau rát cổ họng, dịch đờm cũng được tống ra bên ngoài dễ hơn.
  • Ăn nhiều rau xanh và trái cây: Đây là nguồn thực phẩm dồi dào hàm lượng vitamin C, E, A … có tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể và cải thiện bệnh nhanh hơn. Cà rốt, dâu tây, rau màu xanh đậm, bông cải xanh, rau bina… là những loại rau quả giàu vitamin và chất chống oxy hóa được khuyên dùng.
  • Ăn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như gạo, bột mì, ngũ cốc, đậu Hà Lan, sữa, sữa đậu nành, đậu phụ, trứng gà… 
  • Ăn, uống sản phẩm từ sữa: Dồi dào vitamin D, canxi và protein hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Cần lưu ý không chọn sữa có hàm lượng chất béo cao và hãy ưu tiên sữa chua vì sữa chua chứa nhiều vi khuẩn thân thiện có lợi cho hệ thống tiêu hóa và có tác dụng tốt đối với bệnh nhân viêm phế quản.

Trẻ bị viêm phế quản nên ăn sữa chua

Trẻ bị viêm phế quản nên ăn sữa chua (Ảnh: Shutterstock)

Trẻ mắc bệnh viêm phế quản nên kiêng ăn gì?

- Đường: Ăn quá nhiều đường trong chế độ ăn hàng ngày (bánh kẹo, nước ngọt…) khiến triệu chứng khó thở tăng lên và sức đề kháng cơ thể giảm, không tốt cho người bệnh.

- Muối: Thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn, thực phẩm đông lạnh… thường chứa nhiều muối do đó cần chú ý hạn chế. Dùng thức ăn nhiều muối làm tình trạng viêm trở nên trầm trọng và lượng dịch đờm nhày được sản xuất ra nhiều hơn.

- Thức ăn chua, chát: Ăn một số loại trái cây có vị chua chát quá nhiều (mận, táo, mơ…) dễ gây ra tình trạng khó long đờm, khiến người bệnh trở nên khó chịu và mệt mỏi hơn.

- Thức ăn cay nóng: Ăn thức ăn chứa nhiều gia vị tiêu, ớt,… sẽ gây kích thích niêm mạc phế quản và kích ứng cổ họng gây ho và đau họng, rát cổ họng.

- Thức ăn được chế biến dưới dạng chiên, xào (khoai tây chiên, thịt chiên…) chứa nhiều chất béo, nhiều calo cũng nên chú ý hạn chế tối đa bởi chúng thực sự không có lợi cho bệnh nhân viêm phế quản mà chỉ khiến các triệu chứng bệnh tăng nặng hơn. 

Trẻ mắc bệnh viêm phế quản có nên tắm và ngủ điều hòa ?

Khi trẻ bị viêm phế quản, nên cho trẻ nằm nghỉ ở tư thế ngửa, đầu cao, đảm bảo thông thương đường hô hấp.

Nếu trẻ ho nhiều phải hướng dẫn trẻ nằm đầu cao, nghiêng về một bên, cho trẻ uống nhiều nước ấm, làm ấm và ẩm không khí để trẻ dễ thở, các biện pháp trên có tác dụng làm long đàm và trẻ dễ khạc ra. Nếu ho nhiều hơn cần báo bác sĩ và cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc theo chỉ định.

Phòng ngủ của trẻ cần thoáng mát, yên tĩnh, giữ ấm cơ thể và tránh nơi gió lùa. Tuy nhiên, giữ ấm không có nghĩa là ủ bé quá kỹ, không cho bé tắm sẽ làm cho bé khó thoát mồ hôi và dễ gây tình trạng cảm lạnh, bệnh tình của trẻ cũng sẽ trầm trọng hơn.

Về việc có nên cho trẻ bị viêm phế quản nằm điều hòa hay không thì lời khuyên của các chuyên gia là "nên hạn chế" bởi nghiên cứu cho thấy, nếu ở trong phòng điều hòa liên tục trên 4 giờ thì da, họng hầu, đường hô hấp của trẻ sẽ bị khô và rất dễ để các loại vi sinh vật tấn công, nhất là các loại vi khuẩn đã có sẵn ở đường hô hấp trên của trẻ như H. influenzae, phế cầu… - không tốt cho sức khỏe của trẻ.

Trẻ bị viêm phế quản nên hạn chế nằm trong phòng điều hòa

Trẻ bị viêm phế quản nên hạn chế nằm trong phòng điều hòa (Ảnh: MindBody)

Tuy nhiên, nếu thời tiết quá nóng nực, cha mẹ có thể cho trẻ bị viêm phế quản nằm điều hòa nhưng cần lưu ý:

- Chỉ nên để điều hòa ở mức nhiệt độ khoảng 27 – 28 độ và không chênh lệch nhiều so với nhiệt độ bên ngoài.

- Không nên để giường đối diện với hướng điều hòa mà chỉ nên đặt song song với hướng của luồng hơi đi ra.

- Không nên để trẻ nằm điều hòa quá 2 tiếng mà khoảng 2 tiếng một lần nên cho trẻ ra ngoài nhiệt độ bình thường khoảng 10 – 15 phút. Mỗi khi ra ngoài, nên mở rộng cửa, đứng lại khoảng 2 – 3 phút để trẻ thích ứng với môi trường xung quanh.

- Nên đắp cho trẻ một tấm chăn mỏng, đặc biệt che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở dễ dẫn tới việc trẻ bị ho và cảm lạnh.

- Nên đặt một chậu nước trong phòng hoặc máy phun hơi nước để tạo độ ẩm để tránh khô da và ngạt mũi cho trẻ.

- Nên thường xuyên vệ sinh điều hòa và vệ sinh phòng định kỳ 1 – 2 lần/ tuần, để tránh nấm mốc, vi khuẩn làm bệnh bé nặng hơn.

>>>> Phòng tránh nguy cơ lây lan bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh và người lớn

>>>>   Phác đồ "chuẩn" điều trị bệnh viêm phế quản cấp tính - mạn tính