Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

3 nguyên nhân phổ biến làm suy giảm nội tiết tố nữ

(VOH) - Nội tiết tố đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe chị em phụ nữ. Khi nội tiết tố suy giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Vậy nguyên nhân vì sao phụ nữ bị suy giảm nội tiết tố?

1. Vai trò của nội tiết tố nữ

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, nội tiết tố đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của người phụ nữ, nó giúp duy trì kinh nguyệt bình thường và đảm bảo chức năng sinh sản cho chị em phụ nữ. 

3-nguyen-nhan-pho-bien-lam-suy-giam-noi-tiet-to-nu-voh-1

Nội tiết tố giúp duy trì sức khỏe phụ nữ (Nguồn: Internet)

Nội tiết tố nữ gồm estrogen và progesteron. Buồng trứng là cơ quan đảm nhận nhiệm vụ sản xuất ra 2 nội tiết tố này, chiếm khoảng 80 – 85%. Còn lại, các cơ quan khác trong cơ thể cũng tham gia sản xuất nội tiết tố.

Khi nội tiết tố estrogen được sản xuất ra sẽ đi vào máu, sau đó luân chuyển đến mọi cơ quan trên cơ thể, gắn với từng tế bào ở mỗi cơ quan và sẽ làm chức năng bảo vệ cơ quan đó. Ví dụ, khi estrogen đến da, nó sẽ giữ nước và tạo độ đàn hồi cho da, giúp da luôn căng mịn; hoặc khi estrogen đến xương sẽ chống lại hoạt động hủy xương, đồng thời gắn kết canxi vào trong bẹ xương để giúp xương luôn chắc khỏe.

Nội tiết tố nữ sẽ bị suy giảm theo thời gian, tuy nhiên quá trình suy giảm nội tiết tố nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

2. Vì sao phụ nữ bị suy giảm nội tiết tố?

Theo bác sĩ Bay, phụ nữ bị suy giảm nội tiết tố thường do một số nguyên nhân sau đây:

2.1 Do quá trình lão hóa tự nhiên

Các cơ quan trên cơ thể sẽ bị lão hóa theo thời gian, trong đó có buồng trứng. Như chúng ta biết, buồng trứng là cơ quan chủ yếu sản xuất ra nội tiết tố cho cơ thể người phụ nữ. Tuy nhiên, khi tuổi càng cao thì buồng trứng cũng phải đối mặt với hiện tượng lão hóa, buồng trứng ngày càng teo lại và việc sản xuất nội tiết tố cũng bị giảm đáng kể.

Khi buồng trứng bị teo lại do quá trình lão hóa thì các cơ quan khác sẽ sản xuất nội tiết tố để duy trì một lượng nội tiết tố nhất định trong cơ thể của người phụ nữ.

2.2 Mang thai

Quá trình mang thai và sinh nở sẽ làm suy giảm nội tiết tố trong cơ thể. Bác sĩ Bay cho biết, khi người phụ nữ mang thai và sinh son sẽ chịu nhiều “tổn thương” như mang nặng, để đau, mất máu, nuôi con bằng sữa mẹ,…những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung mà còn tác động đến tuyến yên, từ đó ảnh hưởng đến việc kích hoạt sản xuất nội tiết tố. 

Tuy nhiên, nếu trong quá trình mang thai và sau sinh, người phụ nữ được quan tâm, tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái thì sẽ ít ảnh hưởng và nội tiết tố cũng không suy giảm nhiều.

2.3 Sử dụng thuốc tránh thai

3-nguyen-nhan-pho-bien-lam-suy-giam-noi-tiet-to-nu-voh-2

Thuốc tránh thai làm suy giảm nội tiết tố (Nguồn: Internet)

Thuốc tránh thai là một trong những biện pháp tránh thai an toàn được nhiều chị em sử dụng. Tuy nhiên, bác sĩ Bay cho biết, nếu sử dụng thuốc tránh thai lâu dài, thuốc sẽ thay thế buồng trứng sản xuất nội tiết tố tự nhiên, khi đó, bạn sẽ vô tình tạo điều kiện cho buồng trứng teo sớm hơn. Sau khi ngưng sử dụng thuốc thì sẽ xảy ra tình trạng suy giảm nội tiết tố do buồng trứng đã teo lại.

Chính vì vậy, chị em phụ nữ chỉ nên sử dụng thuốc tránh thai khi thật sự cần thiết.

3. Suy giảm nội tiết tố có nên dùng nội tiết tố thay thế?

Khi suy giảm nội tiết tố, chị em phụ nữ có thể đối mặt với nhiều vấn đề như:

  • Khô âm đạo, đau rát khi sinh hoạt tình dục;
  • Gia tăng bệnh nhiễm trùng tiểu do niệu đạo mỏng;
  • Viêm niêm mạc âm đạo;
  • Kinh nguyệt không đều;

Do đó, khi bị suy giảm nội tiết tố nhiều chị em phụ nữ đã tìm đến giải pháp sử dụng nội tiết tố thay thế để tránh gặp phải những vấn đề trên.

Tuy nhiên, bác sĩ Bay khuyến cáo, phụ nữ chỉ nên dùng nội tiết tố thay thế khi thật sự cần thiết. Bởi vì nội tiết tố thay thế đôi khi không đáp ứng theo mong muốn do nó còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Bên cạnh đó, nếu muốn sử dụng nội tiết tố thay thế thì nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ để tránh gặp những tác dụng phụ không mong muốn.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: