Chờ...

5 cách để tránh ngộ độc thực phẩm

(VOH) - Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh (CDC), 48 triệu người Mỹ bị bệnh do tiêu thụ thực phẩm nhiễm bẩn mỗi năm. Trong đó có 128.000 người phải nhập viện và 3.000 chết. Thực tế, con số có thể cao hơn nhiều vì hầu hết không đi khám bệnh do tiêu chảy - thay vào đó họ chịu đựng trong im lặng.

Nếu không thay đổi thói quen ăn uống và vệ sinh, số người nhiễm bệnh sẽ tăng do vi khuẩn phát triển dữ dội trong thực phẩm. Dưới đây là 5 cách thông thường để tránh ngộ độc thực phẩm.

Không nên bảo quản thức ăn ở nhiệt độ thường

Thực phẩm để ở nhiệt độ thường trong nhiều giờ tại nhà, tiệc nướng ngoài trời hay tiệc buffet nhà hàng - là một tác nhân chính của ngộ độc thực phẩm. Các bào tử và chất độc từ vi khuẩn thường được phát hiện trong thực phẩm ở nhiệt độ này.

Thực phẩm để ở nhiệt độ thường trong nhiều giờ tại tiệc nướng ngoài trời là môi trường thích hợp cho vi khuẩn phát triển (Ảnh: Getty Images)

Gabrielle Judd - chuyên gia dinh dưỡng ở Trung tâm Y tế Maryland cho biết, các vi khuẩn phát triển mạnh trong khoảng 5-60 độ C. Ở nhiệt độ này, vi khuẩn Clostridium perfringens sẽ phát triển. Đây là một nguyên nhân ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất ở Mỹ.

Một tác nhân khác cũng sản xuất chất độc ở nhiệt độ thường là Bacillus, thường tìm thấy trong gạo, súp, nước sốt và thức ăn thừa.

Judd cho rằng, việc nướng ngoài trời - giữ nguyên liệu sống ở nhiệt độ thường nhiều giờ có khả năng khiến bạn ngộ độc nặng và nhập viện ngay lập tức nhưng cũng có khi nó chỉ làm bạn khó chịu trong 24 giờ. 

Vì vậy, đừng quên bảo quản lạnh thực phẩm trong khi tổ chức tiệc nướng ngoài trời.

Hãy nhớ thực phẩm không nên để hơn hai tiếng ở ngoài với nhiệt độ thường.

Cảnh giác với thịt gia cầm sống

"Ít nhất một nửa thịt gà được bày bán có chứa một lượng lớn vi khuẩn Campylobacter. Hơn 500.000 trường hợp ngộ độc thực phẩm ở Anh bị gây ra bởi các vi khuẩn hiện diện trong thịt gà” - Andrew Roe – một nhà nghiên cứu vi sinh vật học tại Đại học Glasgow cho biết.

Nhóm vi khuẩn này gây ra phần lớn các ca nhiễm độc thức ăn ở các nước phát triển.

"4 trong 5 trường hợp ngộ độc thực phẩm do gia cầm bị nhiễm bẩn. Không chỉ gà, các loại thịt gia cầm khác cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao như gà tây và vịt - thường được kiểm nghiệm là nhiễm Campylobacter cao" - Roe nói.

Hãy rửa tay sạch sẽ sau khi chế biến thịt gia cầm (Ảnh: CNN)

May mắn thay, những người nhiễm khuẩn thường tự kiểm soát, nghĩa là không bị bệnh nghiêm trọng và có thể tự phục hồi theo thời gian. Đó là lý do tại sao các vi khuẩn này không được ưu tiên để loại bỏ khỏi chuỗi thức ăn.

Giải pháp được chuyên gia đưa ra là rửa tay sạch sẽ sau khi xử lý thịt gia cầm, tránh nhiễm bẩn bề mặt và cần nấu chín thịt kỹ.

Sự nguy hiểm của thịt băm

Roe khuyên không nên ăn burger nếu có bất kỳ nghi ngờ thịt băm chưa chín - đó có thể là một nguồn nhiễm khuẩn.

Thịt xay tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn (Ảnh: Getty Images)

"Các sản phẩm băm nhỏ vốn nguy hiểm hơn. Sự nguy hiểm nằm trong thịt xay vì khả năng vi khuẩn nhiễm vào thịt lớn" - Roe nói.

Một miếng bít tết bò nguyên miếng nếu nhiễm khuẩn sẽ nhiễm trên bề mặt. Khi nấu ăn nguyên miếng thịt sẽ làm giảm cơ hội thức ăn bị nhiễm khuẩn ở bên trong.

Tuy nhiên, vi khuẩn nhiễm vào các loại thịt băm nhỏ khi tất cả thịt được trộn lại với nhau.

Miếng thịt băm kẹp trong Burgers – thường nấu trong nhiệt độ cao, phần ở ngoài được nấu chín nhưng bên trong miếng thịt thường không kiểm soát được.

Giải pháp là, nếu bạn yêu thích bánh mì kẹp thịt, hãy chắc chắn rằng bạn ăn thực phẩm an toàn và sẵn sàng từ chối thực phẩm không được nấu chín kỹ lưỡng.

Đừng quên rửa trái cây

Khi bị ngộ độc thực phẩm, người ta thường nghi ngờ đầu tiên là do các loại thịt nhưng bạn có bao giờ nghĩ trái cây và rau quả?

Rửa sạch trái cây ngay cả khi bạn sẽ gọt vỏ (Ảnh: Getty Images)

Một nghiên cứu năm 2013 của CDC cho thấy rằng, 46% bệnh do thực phẩm ở Mỹ bị gây ra bởi các loại trái cây, rau và các loại hạt. Các loại rau lá được tìm thấy gây bệnh nhiều nhất, chiếm 22% trong tất cả trường hợp nghiên cứu là vi khuẩn E. coli.

Rất nhiều loại vi khuẩn được tìm thấy trên vỏ hoặc trong các loại trái cây, rau quả không rửa sạch trước khi ăn.

Judd cho biết: "Hầu hết mọi người rửa sạch một quả táo, nhưng với các loại dưa thì họ lại cho rằng không cần rửa vì đã gọt vỏ. Khi cắt gọt thực phẩm như vậy, vi khuẩn trên vỏ có thể dễ dàng lan vào bên trong”.

Vì vậy, nếu rửa thật sạch và gọt vỏ, bạn có thể làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn đáng kể.

Hâm nóng thức ăn thừa đúng cách

Việc hâm nóng cơm là một nguy cơ phổ biến gây ngộ độc thực phẩm khi vi khuẩn bacillus có khả năng xuất hiện trong gạo.

Các vi khuẩn bị tiêu diệt khi gạo được nấu chín, nhưng bào tử của chúng luôn sống và phát triển mạnh thành vi khuẩn nếu sau đó để cơm ở nhiệt độ phòng. 

Giải pháp? Cơm phải được hấp nóng ở nhiệt độ cao khi ăn để đảm bảo các loại vi khuẩn đã chết. Quy định này cũng áp dụng cho thức ăn hâm lại nói chung để ngăn chặn vi khuẩn mới phát triển.

Judd khuyên, bệnh tật đến từ việc quản lý thức ăn thừa không đúng cách. Vì vậy, bạn không giữ thức ăn thừa quá 3-4 ngày.