Chờ...

5 dấu ấn chuyển đổi số của ngành Y tế TPHCM

TPHCM - Ngành Y tế  là một trong những ngành tiên phong trong công tác chuyển đổi số tại TPHCM với nhiều hoạt động nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh. 

Ứng dụng AI trong khám chữa bệnh

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chăm sóc sức khỏe là xu hướng nổi bật trên thế giới khi phần mềm máy tính phân tích, đưa ra các chỉ dẫn trong quá trình thăm khám, chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh hỗ trợ bác sĩ. Tại TPHCM, một số bệnh viện đang áp dụng thử nghiệm để hỗ trợ một phần các bác sĩ trong việc phẫu thuật, thăm khám và điều trị.

Chẳng hạn, từ năm 2017, bệnh viện Chợ Rẫy đưa vào sử dụng hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật cho 4 chuyên khoa gồm Ngoại Tiêu hóa, Ngoại Gan Mật Tụy, Ngoại Tiết niệu và Ngoại Lồng ngực…

Ngoài bệnh viện Chợ Rẫy, còn có bệnh viện Bình Dân sử dụng hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật và can thiệp tim mạch.

kham-chua-benh- 111024
Robot hỗ trợ phẫu thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TPHCM, AI đang được áp dụng trong quy trình chụp, sàng lọc tầm soát, chẩn đoán và theo dõi diễn tiến bệnh. Ở một số lĩnh vực, AI còn được ứng dụng trong hỗ trợ phẫu thuật, điều trị bệnh…

Bệnh viện này cũng sử dụng AI trong MRI để đánh giá cấu trúc, hình thái não. Sau khi chụp, AI tự động đưa ra các thông số về kích thước, thể tích các hồi, thùy, não thất… ở não. Từ đó, bác sĩ có cách nhìn tổng quan và nhận diện các bệnh lý như sa sút trí tuệ, Parkinson…

Đơn vị này còn ứng dụng tủ nuôi cấy phôi tích hợp phần mềm AI phân tích phôi nhằm hỗ trợ chuyên viên phôi học lựa chọn được các phôi tốt nhất, nâng tỷ lệ IVF thành công vượt trội, lên tới 68,5%...

Tháng 11/2022, Sở Y tế TPHCM triển khai ứng dụng AI và hội chẩn khám bệnh từ xa (telemedicine) tại Trạm y tế xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Đây là trạm y tế đầu tiên trên cả nước triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán hình ảnh X-quang phổi và ứng dụng telemedicine để kết nối bác sĩ đang công tác tại trạm y tế với các bác sĩ chuyên khoa, nhiều kinh nghiệm của các bệnh viện thành phố, giúp người dân được chẩn đoán chính xác, nhanh chóng và điều trị đúng phác đồ.

Đến tháng 11/2023, hệ thống soi cổ tử cung từ xa (TeleCervicography) đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương mang đến Trạm y tế xã đảo Thạnh An để tầm soát ung thư cổ tử cung cho phụ nữ đang sinh sống tại đây.

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một kỹ thuật soi cổ tử cung có AI giúp phát hiện và tầm soát ung thư cổ tử cung được triển khai ngay tại trạm y tế xã, và cũng là ứng dụng AI thứ hai trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng được triển khai tại xã đảo.

Kỹ thuật mới có tên là CerviCare AI - giúp tầm soát ung thư cổ tử cung mà không phải thực hiện kỹ thuật Pap smear quen thuộc tại các phòng khám và bệnh viện chuyên ngành sản phụ khoa. CerviCare AI có thể phát hiện chính xác ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm với độ chính xác lên đến 98%...

AI đã bước đầu được ứng dụng, giảm áp lực cho bác sĩ và hạn chế tối đa sai sót. Đây là công cụ hỗ trợ đắc lực, làm tăng độ chính xác của chẩn đoán, đánh giá toàn diện, không bỏ sót và rút ngắn thời gian, giải quyết nhiều áp lực cho bác sĩ.

Triển khai bệnh án điện tử

Tại TPHCM, nhiều bệnh viện đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử để lưu trữ và truyền tải hình ảnh, thông tin thay thế cho giấy hoặc phim trong y khoa, chẳng hạn như Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Đại học Y dược…

Với hồ sơ bệnh án điện tử, đối tượng hưởng lợi nhiều nhất là người bệnh khi không còn phải mang lỉnh kỉnh các loại giấy tờ, kết quả chẩn đoán hình ảnh như trước. Tính chung, thời gian khám bệnh cho một lượt người bệnh đã giảm từ 10-15% so với trước đây.

Ngoài ra, việc ứng dụng bệnh án điện tử giúp đỡ tốn kém hơn so với in giấy, in phim, việc lưu trữ điện tử cũng hiệu quả hơn. Các bác sĩ dễ tiếp cận với hồ sơ bệnh án, lịch sử khám bệnh, tiền sử bệnh với những đặc điểm riêng biệt của bệnh nhân.

Việc chia sẻ dữ liệu cận lâm sàng trong bệnh viện với nhau hay chuyển thông tin sức khỏe trong hồ sơ bệnh án của bệnh nhân giữa các bệnh viện qua lại với nhau cũng rất thuận tiện.

Theo đánh giá chung của lãnh đạo các bệnh viện, việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử giúp giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, các thủ tục hồ sơ khám chữa bệnh cũng nhanh, gọn và tiện lợi hơn. Công tác quản lý, điều hành bệnh viện cũng hiệu quả hơn so với trước đây.

Xây dựng chatbot – giải đáp các quy định pháp luật trong lĩnh vực khám, chữa bệnh

Nhằm tăng cường truyền thông các quy định mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bên cạnh các hình thức truyền thông truyền thống, Sở Y tế chính thức ra mắt ứng dụng chatbot – “chuyên gia” giải đáp các câu hỏi liên quan đến các quy định pháp luật trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.

chatbox-ai- 111024
Chatbot Sở Y tế TPHCM – “chuyên gia” giải đáp các câu hỏi liên quan đến các quy định pháp luật trong lĩnh vực khám, chữa bệnh (https://chat.khambenh.gov.vn).

Bất kỳ ai có những câu hỏi hay thắc mắc liên quan đến các quy định pháp luật trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh đều có thể vào đường link trên để được giải đáp.

Đây là ứng dụng được tích hợp giữa mô hình NLP xử lý ngôn ngữ tự nhiên và mô hình Máy học giúp hiểu và đáp ứng các câu hỏi của người dùng một cách tự nhiên và chính xác và sử dụng các công nghệ mới, hiện đại như Rocket.Live, Rasa AI Conversational Platform, MongoDB, Python, và Linux.

Chatbot hỗ trợ giải đáp các câu hỏi liên quan đến Luật khám bệnh, chữa bệnh nhờ được xây dựng từ dữ liệu câu hỏi (ngân hàng câu hỏi với hơn 800 câu hỏi do các cơ sở y tế gửi đến), các câu hỏi và câu trả lời này được biên soạn, cập nhật, bổ sung liên tục từ các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh.

Với ứng dụng này, nhân viên y tế hay bất kỳ ai có nhu cầu hỗ trợ sẽ dễ dàng nhận được các thông tin giải đáp liên quan đến các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. 

Dù không quá phức tạp, nhưng có thể xem đây là một sản phẩm mới được tạo ra từ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Ngành y tế TPHCM.

Phát triển ứng dụng tra cứu nhanh thuốc cấp cứu tại các bệnh viện

Ứng dụng tra cứu thuốc cấp cứu được xây dựng nhằm mục đích tạo ra một hệ thống thông tin liên kết giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn TPHCM, giúp theo dõi, cập nhật và giúp điều phối các loại thuốc cấp cứu, từ đó hỗ trợ các bệnh viện trong việc tiếp cận nhanh chóng các loại thuốc cần thiết khi đối mặt với các ca cấp cứu khẩn cấp.

tra-cuu-thuoc- 111024
Ứng dụng tra cứu nhanh thuốc cấp cứu tại các bệnh viện

Ứng dụng gồm các chức năng chính như: Cập nhật thông tin tình hình tồn kho thuốc cấp cứu; Tra cứu và tìm kiếm thuốc cấp cứu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Theo dõi, cảnh báo tình hình tồn kho thuốc cấp cứu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để có các biện pháp can thiệp kịp thời.

Việc triển chia sẻ dữ liệu về tồn kho thuốc cấp cứu mang lại nhiều lợi ích quan trọng, đặc biệt trong các tình huống cấp cứu, bao gồm: Các bệnh viện có thể ngay lập tức tra cứu tình trạng tồn kho của các loại thuốc cấp cứu, đảm bảo khả năng điều trị kịp thời, cứu sống bệnh nhân trong những tình huống nguy cấp; Các bác sĩ có thể đưa ra quyết định nhanh chóng dựa trên thông tin về tình trạng sẵn có của thuốc, đồng thời phối hợp với các bệnh viện khác trong trường hợp cần chuyển viện hoặc chia sẻ thuốc…

Từ tháng 9/2024, Sở Y tế triển khai thực hiện cập nhật dữ liệu tồn kho thuốc cấp cứu hiện có của một số bệnh viện đa khoa thành phố, bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của Thành phố (Sản, Nhi, Nhiễm, Huyết học…). Trong thời gian tiếp theo, Sở Y tế sẽ tiếp tục mở rộng sự tham gia chia sẻ dữ liệu, sử dụng phần mềm với các bệnh viện Bộ ngành và các bệnh viện tư nhân trên địa bàn.

Xây dựng dữ liệu sức khỏe học sinh

Một hoạt động chuyển đổi số không thể thiếu của Ngành Y tế Thành phố là thống nhất nội dung khám và nhập liệu ngay kết quả khám sức khỏe hướng đến tạo lập dữ liệu lớn về sức khỏe của người dân.

Thực hiện Đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, Sở Y tế sẽ triển khai chuyển đổi số dữ liệu sức khỏe học sinh kể từ năm học 2024-2025. Qua đó, Thành phố sẽ có dữ liệu sức khỏe của hơn 1,7 triệu học sinh.

Dữ liệu sức khoẻ học sinh sẽ giúp Ngành Y tế nhận diện được mô hình bệnh, tật học đường của học sinh trên địa bàn Thành phố để chủ động có các giải pháp chăm sóc và can thiệp điều trị kịp thời.

Để chuẩn bị cho việc chuyển đổi số dữ liệu sức khỏe học sinh, Sở Y tế đã chủ động làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo hơn 01 năm qua nhằm chuẩn bị cho các hoạt động quan trọng, bắt đầu là việc chuẩn hóa các biểu mẫu khám, tầm soát bệnh tật học đường, hướng dẫn về quy trình khám, các điều kiện khi tổ chức đoàn khám sức khỏe tại các cơ sở giáo dục, xây dựng chương trình tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế tham gia khám, tầm soát và xây dựng phần mềm để nhập liệu thông tin sức khỏe của học sinh sau khi có kết quả khám...

Ngoài ra, Sở Y tế đã và đang phối hợp với nhiều đơn vị thống nhất các nội dung triển khai Sổ sức khỏe điện tử và kết quả đầu ra là thông tin sức khỏe người dân sẽ được hiển thị trên Sổ sức khỏe điện tử của ứng dụng VNeID. 

Hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp đầy đủ thông tin về sức khỏe (tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh…). Trên cơ sở đó sẽ giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của mình liên tục, suốt đời, giúp tăng cường kết nối giữa các cơ sở y tế, giúp bác sĩ dễ dàng truy cập thông tin sức khỏe của bệnh nhân.