5 nguyên nhân khiến mí mắt trẻ sơ sinh bị sưng đỏ và cách điều trị

(VOH) – Mí mắt trẻ sơ sinh bị sưng đỏ vốn không phải là bệnh mà nó chỉ là một triệu chứng của nhiều căn bệnh khác, trong đó điển hình nhất là các bệnh lý viêm kết mạc, viêm giác mạc, tắc tuyến lệ...

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn về mắt do sức đề kháng kém cùng với việc chăm sóc và phòng ngừa không đúng cách. Khi trẻ nhỏ bị các chứng nhiễm khuẩn mắt, sẽ xuất hiện các dấu hiệu như: đau mắt đỏ, mắt đổ ghèn, tiết nước mắt thường xuyên và mí mắt trẻ sẽ bị sưng.

Nguyên nhân mí mắt trẻ sơ sinh bị sưng đỏ là gì?

Có rất nhiều bệnh nhiễm khuẩn về mắt có khả năng gây sưng mí mắt. Một số bệnh thường gặp nhất chính là:

  1. Tắc tuyến lệ

Tắc tuyến lệ là nguyên nhân gây ra các tình trạng như mắt bị đỏ, nhiều ghèn, thậm chí là mí mắt trẻ bị sưng. Đây là một bệnh về mắt khá phổ biến ở trẻ sơ sinh.

  1. Viêm kết mạc và viêm giác mạc

Một trong những bệnh lý về mắt mà trẻ sơ sinh thường gặp nhất đó là bệnh lý viêm kết mạc và viêm giác mạc. Triệu chứng thường gặp của viêm kết mạc và viêm giác mạc là mí mắt trẻ sơ sinh bị sưng đỏ, có ghèn vàng, mi mắt dính lại, khó nhắm mở, trẻ sơ sinh bị chảy nước mắt... Các triệu chứng thường bắt đầu từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 sau sinh.

5-nguyen-nhan-khien-mi-mat-tre-so-sinh-bi-sung-do-va-cach-dieu-tri-voh

Viêm kết mạc và viêm giác mạc có triệu chứng điển hình mí mắt trẻ bị sưng (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây ra các bệnh lý trên là do rách, xước giác mạc, dị vật tác động, bỏng hóa chất.... Ngoài ra, việc giữ vệ sinh mắt cho trẻ kém cũng khiến trẻ sơ sinh bị ghèn nhiều, để lâu ngày sẽ dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm.

  1. Viêm nhiễm mi mắt

Viêm nhiễm mi mắt cũng là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh, với các biểu hiện như: viêm bờ mi, chảy nước mắt, đỏ mắt, có cảm giác sạn trong mắt, trẻ bị ngứa và sưng mí mắt, bong da quanh mắt, nhạy cảm với ánh sáng, lông mi mọc bất thường, rụng lông mi.

Nguyên nhân gây viêm nhiễm mi mắt thường do nấm, ký sinh trùng hoặc do dị ứng.

  1. Bị lẹo mắt

Lẹo mắt ở trẻ sơ sinh là một loại mụn nhỏ mọc ở bờ mi mắt dưới chân lông mi, do một loại tuyến nhỏ ở bờ mi bị nhiễm trùng.

Nguyên nhân gây lẹo mắt là do vi khuẩn Staphylococcus xâm nhập vào tuyến chân lông mi. Khi bị lẹo mắt, mi mắt trẻ sơ sinh sẽ bị sưng nhẹ, hơi đỏ và ngứa. Sau đó, tại vị trí đau sẽ xuất hiện một khối rắn to cỡ hạt gạo gây đau và có cảm giác cộm như có bụi trong mắt.

  1. Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là tình trạng phổ biến xảy ra vào nhiều thời điểm trong năm. Nguyên nhân là do vi khuẩn và virus gây ra. Trẻ bị đau mắt đỏ thường có biểu hiện sưng nề mí mắt, ghèn mắt ra nhiều, xuất huyết dưới kết mạc, mắt đỏ, chảy nước mắt,...

Cách điều trị mí mắt trẻ sơ sinh bị sưng đỏ

Thông thường tùy vào nguyên nhân gây ra tình trạng sưng mí mắt ở trẻ sơ sinh mà sẽ có các cách điều trị khác nhau.

  1. Sưng mí mắt do tắc tuyến lệ

Nếu trẻ tắc tuyến lệ nhẹ, mẹ có thể thường xuyên vuốt dọc sống mũi, từ điểm khởi đầu là khóe mắt của bé đến điểm kết thúc là 2 lỗ mũi để giúp làm thông tuyến lệ.

Tuy nhiên, trong trường hợp bé bị tắc tuyến lệ nặng thì mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám và đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp.

  1. Do viêm kết mạc và viêm giác mạc

Đa phần các trường hợp trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc và viêm giác mạc sẽ được điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật để tránh làm hưởng đến khả năng thị lực sau này của trẻ.

  1. Do viêm nhiễm mi mắt

5-nguyen-nhan-khien-mi-mat-tre-so-sinh-bi-sung-do-va-cach-dieu-tri-1-voh

Viêm nhiễm mi mắt cần được điều trị theo chỉ định bác sĩ (Nguồn: Internet)

Viêm nhiễm mi mắt thường phải được thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài việc sử dụng thuốc, mẹ cần chú ý trong việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của bé và cho bé sử dụng nguồn nước sạch để tránh tái lây nhiễm vi khuẩn.

>>> Xem thêm: Nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ sơ sinh để giảm đổ ghèn – nên hay không nên?

  1. Do bị lẹo mắt

Thông thường lẹo mắt sẽ tự mất sau khoảng vài ngày hoặc vài tuần mà không cần các phương pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý lẹo mắt rất dễ tái phát nếu không được điều trị dứt điểm dưới sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

  1. Do đau mắt đỏ

Điều trị chứng đau mắt đỏ, mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám và có chỉ định phù hợp. Dựa vào nguyên nhân gây đau mắt đỏ là do vi khuẩn, virus hay do dị ứng, bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị hiệu quả, an toàn.

Cách phòng ngừa bé bị sưng mí mắt dưới

Hầu như tất cả các bệnh lý liên quan đến mí mắt dù nhẹ hay nặng đều cần được điều trị đúng cách và kịp thời để tránh những biến chứng xấu nhất. Với trường hợp bé bị sưng mí mắt trên và dưới cũng vậy.

5-nguyen-nhan-khien-mi-mat-tre-so-sinh-bi-sung-do-va-cach-dieu-tri-2-voh

Ba mẹ cần lưu ý trong quá trình chăm sóc mắt cho trẻ sơ sinh (Nguồn: Internet)

Trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nói chung, cha mẹ cần lưu ý:

  • Khi vệ sinh mắt cho bé, hãy dùng bông gòn sạch và nước ấm, lau thật nhẹ nhàng theo chiều từ đầu mắt ra đuôi mắt. Ngày vệ sinh mắt cho bé 2 – 3 lần hoặc lau khi thấy mắt bé có ghèn nhiều.
  • Có thể massage vùng mắt tiết ghèn để giúp mắt bé ngừng rỉ ghèn. Cách làm như sau: Dùng đầu ngón tay út day nhẹ vùng phía dưới đầu mắt bé. Mỗi ngày day khoảng 3 lần, mỗi lần khoảng 1 – 2 phút.

Ngoài ra, để tránh các bệnh về mắt cho trẻ sơ sinh, mẹ nên rửa mặt cho bé bằng nước đun sôi để nguội, lau mắt bằng nước ấm. Giặt sạch khăn mặt của bé phơi ngoài trời và không dùng khăn mặt của bé để vệ sinh các vùng cơ thể khác.

Như vậy, đối với trẻ sơ sinh việc bảo vệ và chăm sóc đôi mắt là vô cùng quan trọng, ba mẹ hãy chú ý chăm sóc, quan sát mắt trẻ thường xuyên để có thể phát hiện sớm các bất thường, kịp thời đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được thăm khám và điều trị.

7 dấu hiệu giúp mẹ nhận biết tình trạng tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh sớm nhất : Bệnh tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh thường rất khó phát hiện do trẻ sơ sinh thường ngủ nhiều. Vậy làm thế nào để cha mẹ có thể nhận biết được việc trẻ bị tắc tuyến lệ?
 3 nguyên nhân chính khiến trẻ sơ sinh bị chảy nước mắt sống : Trẻ sơ sinh chảy nước mắt sống là một tình trạng khá phổ biến. Mặc dù phần lớn trường hợp không nguy hiểm nhưng cha mẹ cần nắm được nguyên nhân để có cách khắc phụ đúng và hiệu quả.