Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Lẹo mắt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị nhanh

(VOH) – Lẹo mắt là một dạng nhiễm trùng cấp tính xảy ra ở tuyến nhờn của mi mắt. Bệnh có thể gây đau nhức bờ mi, phù nề, làm người bệnh vô cùng khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày.

Lẹo mắt là gì?

Mắt bị lẹo là chứng viêm cấp tính, do một loại tụ cầu khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi hoặc vi khuẩn như Staphylocoque gây nên. Lẹo mắt thường mọc ở ngay bờ mi, dính chặt vào da mi. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy ở giữa mụn lẹo mắt có một đốm màu vàng nhỏ (mủ).

Lẹo mắt có một đặc điểm là rất hay tái phát, có thể bị ở một hoặc hai mi mắt, có khi sưng to cả mi mắt và gây ứ phù màng tiếp hợp.

Các dạng lẹo mắt thường gặp bao gồm:

  • Lẹo mắt ngoài: Là một nốt đỏ ở mi mắt, kích thước và độ rắn giống như hạt đậu, thường do nhiễm trùng tuyến Zeiss.
  • Lẹo mắt trong: Là do nhiễm truyền tuyến Meibom, thường kín đáo hơn, nằm ở mặt trong của mi mắt (phần kết mạc của mi), khi lật mi ra có thể nhìn thấy được. Trong một số trường hợp còn có thể thấy đầu mủ trắng của lẹo.
  • Đa lẹo: Có rất nhiều đầu lẹo trên một mi hay cả hai mi, thậm chí cả hai mắt.

Nguyên nhân và triệu chứng khi bị lẹo mắt

Khi khe hở của lông mi trên mắt bị chặn bởi các tuyến dầu hoặc bụi bẩn, vi khuẩn sẽ phát triển ở bên trong và gây nhiễm trùng. Điều này sẽ làm cho lẹo xuất hiện. Đôi khi lẹo mắt còn là kết quả của viêm nhiễm lan rộng do viêm bờ mi lan đã có sẵn.

Bên cạnh đó, một số yếu tố khác có thể khiến bạn có nguy cơ bị lẹo mắt là:

  • Dùng tay chưa vệ sinh sạch sẽ khi thay kính áp tròng hoặc không khử trùng kính áp tròng trước khi đặt vào mắt.
  • Để lớp trang điểm trên mắt qua đêm.
  • Sử dụng mỹ phẩm cũ hoặc đã quá hạn sử dụng ở vùng mắt.
  • Đã từng bị viêm mí mắt hoặc bị viêm mí mắt mãn tính.

leo-mat-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-nhanh-voh

Khi bị lẹo mắt người bệnh thường bị sưng, ngứa đau ở vùng mí mắt (Nguồn: Internet)

Bệnh nhân bị lẹo ở mắt, phần mi mắt sẽ bị sưng nhẹ, hơi đỏ, ngứa, đau. Tiếp đó, ở chỗ đau nổi lên một khối rắn to cỡ hạt đậu làm cho mí mắt đau, trở nên nhạy cảm với ánh sáng, khó chịu khi nháy mắt hoặc luôn cảm thấy cộm như có bụi trong mắt.

Ngoài ra, bạn sẽ thấy mưng mủ ở trung tâm chỗ hóa cứng, ít lâu sau áp-xe vỡ ra, chảy mủ và hết đau. Trường hợp lẹo ở trong mi mắt thường có diễn biến nặng hơn, áp-xe hiện ra ổ, thường tái phát.

Phần lớn, lẹo mắt thường không gây ảnh hưởng đến thị lực. Tuy nhiên, nếu bạn gặp một hoặc nhiều triệu chứng sau đây thì nên đến gặp bác sĩ:

  • Bị sốt
  • Gặp vấn đề về thị lực
  • Mụn lẹo không cải thiện sau 3 – 4 ngày.
  • Đỏ và sưng bên dưới mi mắt, sưng má và vài bộ phận trên khuôn mặt.
  • Mụn lẹo ở mắt bị chảy máu, cục u sưng rất lớn và đau đớn, nốt rộp hình thành trên mí mắt hay cả mí mắt hoặc mắt bị đỏ.

Cần phân biệt lẹo mắt và chắp mắt

Lẹo mắt và chắp mắt là 2 bệnh lý hoàn toàn khác nhau nhưng lại có đặc điểm chung là gây phù nề, đau nhức ở mi mắt, điều này khiến bệnh nhân dễ bị nhầm lẫn. Đôi khi lẹo mắt có thể chuyển thành chắp mắt (xảy ra trong trường hợp lẹo trong thoát lưu hoặc không điều trị khỏi hẳn, gây chèn ép các tuyến).

Chắp mắt là một u hạt xuất phát từ tuyến sụn mi mắt bị bít tắc. Chất bã ứ đọng, xâm nhập vào các mô lân cận và gây viêm hạt mạn tính. Chắp mắt thường nằm ở trong đĩa sụn và thường ở mặt trong của mi mắt; khi lật mi, bác sĩ có thể nhìn thấy được chắp, thậm chí là nhìn thấy đầu mủ trắng của chắp. Nhiều trường hợp đa chắp, tức là có rất nhiều đầu chắp trên một mi hay cả hai mi, thậm chí ở cả hai mắt.

Khi bị chắp mắt, người bệnh thường gặp các triệu chứng như: sưng, đau, đỏ mí mắt, khó chịu ở bề mặt kết mạc của mi mắt. Sau vài ngày chắp xẹp xuống chỉ còn khối u tròn không đau. Bệnh tự khỏi sau vài tháng.

Điều trị chắp mắt không cần dùng kháng sinh. Bạn có thể dùng biện pháp chườm nóng nhằm giảm đau đối với các tổn thương sớm. Những trường hợp chắp mắt to hoặc dai dẵng bạn nên đến gặp bác sĩ để được chích chắp mắt hoặc sử dụng corticoid (tùy trường hợp cụ thể).

Lưu ý: Các ung thư tại mi mắt như ung thư biểu mô tế bào đáy hay ung thư biểu mô tuyến bã, có thể bị chẩn đoán nhầm là chắp mắt. Vì thế, nếu chắp mắt dai dẵng, kéo dài, bạn cần đến bệnh viện kiểm tra và làm xét nghiệm mô bệnh học.

Bị lẹo mắt phải làm thế nào?

Rất nhiều người thường thắc mắc “bị lẹo mắt có tự khỏi không”. Theo các bác sĩ chuyên khoa, thông thường lẹo mắt sẽ tự mất sau một vài ngày hay một vài tuần mà không cần phải điều trị đặc hiệu.

Nếu muốn giảm bớt triệu chứng và đẩy nhanh tốc độ lành bệnh, ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể chườm ấm bằng cách: Đắp lên mi mắt vùng bị lẹo khăn ấm từ 10 - 15 phút, khoảng 3 – 5 lần/ngày đến khi lẹo hết sưng. Hằng ngày, nên nhỏ mắt và rửa mắt bằng nước muối sinh lý (loại dùng cho mắt).

leo-mat-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-nhanh-1-voh

Bị lẹo mắt to, gây khó nhìn, đau, khó chịu... thì nên đến gặp sĩ để được thăm khám và điều trị thích hợp (Nguồn: Internet)

Trong trường hợp lẹo mắt to gây khó nhìn, không hết sau 1 tuần, tiết nước mắt nhiều, mụn lẹo gây đau, khó chịu... thì cần đi đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị thích hợp.

Tại đây, bác sĩ sẽ gây tê và chích lẹo ở mắt để lấy mủ ra. Người bệnh sẽ được uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thường là các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm... Đôi khi, có kèm theo thuốc giảm đau.

Người bị lẹo mắt nên uống nhiều nước, ăn đồ mát, hoa quả và kiêng những thức ăn cay, nóng.

Những cách phòng tránh lẹo mắt cần nhớ

  • Nên rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước, nhất là trước khi chạm tay vào mắt. Vệ sinh tay sạch sẽ giúp tiêu diệt nguy cơ sản sinh của loại vi khuẩn gây lẹo mắt.
  • Không dùng tay dụi mắt, chà mắt vì vi khuẩn từ tay có thể xâm nhập vào mắt và gây nhiễm trùng mắt, kể cả khi tay sạch vẫn có thể gây kích ứng mắt.
  • Không dùng chung vật dụng với người khác, nhất là vật có tác động đến mắt như mỹ phẩm, cọ trang điểm mắt, khăn, kính mát hoặc các vật dụng cá nhân khác, đặc biệt là với những người đang bị lẹo hoặc có tiền sử bị lẹo.
  • Sử dụng mỹ phẩm và cọ trang điểm mắt hợp vệ sinh. Đồng thời, rửa sạch tay với xà phòng trước khi trang điểm mắt.
  • Đeo kính râm hoặc các loại kính bảo vệ khác trong môi trường bụi bẩn hoặc có chất phóng xạ. Nếu làm việc tại một công trường xây dựng hoặc trong xưởng sản xuất, phải luôn luôn bảo vệ đôi mắt khỏi các tác động từ môi trường.
  • Khi thấy mắt bị lộm cộm hay khó chịu hoặc cảm giác có tình trạng viêm hoặc nhiễm khuẩn mí mắt, thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo

  1. Trang suckhoedoisong.vn
  2. Trang matsaigon.com – bệnh viện mắt Gài Gòn
Đau mắt hột và những kiến thức cần biết : Đau mắt hột là bệnh nhiễm trùng thường gặp, dễ lây truyền từ người này sang người khác. Nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ gây những biến chứng nguy hiểm.
Mỏi mắt nên làm gì để khắc phục? : Khi có triệu chứng đau hốc mắt tuyệt đối không được chủ quan, cần phải đến bệnh viện thăm khám, xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Bình luận