Chờ...

60% bệnh nhân đái tháo đường không biết mình mắc bệnh

(VOH) - Trên 70% các trường hợp tử vong là do các bệnh mạn tính không lây đặc biệt là bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường.

Bệnh mạn tính không lây đang gia tăng một cách nhanh chóng, trở thành gánh nặng bệnh tật.

Trên 70% các trường hợp tử vong là do các bệnh mạn tính không lây đặc biệt là bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường.

Cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố phối hợp Công đoàn ngành Y tế triển khai tổ chức mít tinh hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới 14/11 với chủ đề “Đái tháo đường: Bảo vệ gia đình bạn” vào sáng 8/11.

60% bệnh nhân đái tháo đường không biết mình mắc bệnh

Người dân đến tham dự sự kiện mít-tinh dinh dưỡng kết hợp tầm soát kiểm tra đường huyết vào sáng 8/11.

Tại Việt Nam, số người mắc bệnh đái tháo đường là 3,5 triệu người vào năm 2015 và sẽ là 6,1 triệu người vào năm 2040.

Theo kết quả điều tra dịch tễ học bệnh đái tháo đường toàn quốc năm 2012, tỷ lệ hiện mắc đái tháo đường trên toàn quốc ở người trưởng thành là 5,4%, điều đáng quan tâm hơn nữa là có hơn 60% bệnh nhân không biết mình mắc bệnh, họ chì phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ hoặc khi xuất hiện biến chứng của bệnh.

Tại TPHCM, tỷ lệ đái tháo đường và tiền đái tháo đường năm 2008 là 7% và 27%, đến năm 2012 con số này đã tăng lên là 11,5% và 31%. Và hiện nay, đáng ngại nhất vẫn là tình trạng tại cộng đồng, nhiều người đã mắc đái tháo đường nhưng không hề biết mình mắc bệnh.

Chỉ phát hiện tình cờ khi đi khám bệnh hoặc đến giai đoạn biến chứng. Vậy nên, với bệnh lý này, quan trọng nhất tự bản thân phải có ý thức chủ động phòng bệnh bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh.

Bà Nguyễn Thị Cúc, ngụ Quận 10, gia đình có mẹ bị tiểu đường nên chị Cúc rất cẩn trong trong ăn uống dinh dưỡng và vận động vì thuộc nhóm nguy cơ, chị cho biết: "Mình phải ăn uống điều độ, không dùng đường với tinh bột nhiều quá. Tăng cường ăn rau, cá, trái cây nhiều và tăng cường vận động. Vì gia đình có mẹ ruột bị bệnh này nên mình biết mình đang thuộc nhóm nguy cơ".

Bà Đỗ Mai Lan, nhà ngụ Quận 11, có đường huyết không ổn định, vì thế việc chủ động kiểm soát bằng việc xây dựng lối sống lành mạnh luôn cần thiết: "Tôi đường huyết lúc cao lúc thấp không ổn định. ôi cũng là hội viên trung tâm dinh dưỡng nên hiểu, cập nhật được nhiều kiến thức về bệnh. Tôi cũng bị lâu nên cũng đã hiểu, điều chỉnh ăn uống cho phù hợp".

Tham gia mít-tinh, bác sĩ Nguyễn Quang Huy – Bệnh viện Da Liễu Thành phố cũng đã khuyến cáo về bệnh lý này đến với cộng đồng: "Mít-tinh này giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về đái tháo đường và cách phòng tránh. Với người bị đái tháo đường phải biết được các dấu hiệu nhận biết, xây dựng cho mình thói quen đi tầm soát, kiểm soát. Thứ hai,chế độ ăn uống của họ hằng ngày phải thay đổi".

Trong chiến lược phòng ngừa và điều trị bệnh lý này, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố, cho biết việc truyền thông về các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa cũng như thay đổi lối sống khi đã mắc bệnh vô cùng quan trọng:

"Trong quá trình theo dõi điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm nói chung và đái tháo đường nói riêng thì truyền thông để những người nằm trong nhóm nguy cơ biết để phòng ngừa cũng như với những người có bệnh rồi thì truyền thông tư vấn để họ thay đổi lối sống là cực kỳ quan trọng. Đây được xem như yếu tố quyết định để đưa đến việc điều trị các bệnh mãn tính không lây hiệu quả".

Nhân mít-tinh hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới sáng 8/11, công đoàn ngành y tế cũng đã tổ chức hội thi “Dinh dưỡng và vận động phòng, chống bệnh đái tháo đường” với sự tham gia của 55 đội thi đến từ các Trung tâm Y tế, bệnh viện và sự tham dự của bệnh nhân đái tháo đường và người dân.

Hội thi là dịp để cán bộ y tế giao lưu học hỏi, trau dồi kiến thức và kinh nghiệm trong công tác dự phòng và điều trị bệnh đái tháo đường. Đồng thời, giúp nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng ngừa, tự phát hiện, tuân thủ điều trị bệnh đái tháo đường cho người dân, giúp hạn chế gia tăng người mắc bệnh đái tháo đường, giúp người đã mắc bệnh lạc quan sống chung với bệnh, kiểm soát tốt đường huyết và hạn chế biến chứng.