Chờ...

70% nguy cơ lây nhiễm sang thai nhi nếu mẹ mắc bệnh giang mai

(VOH) - Trong bốn năm đầu tiên mắc bệnh giang mai, phụ nữ không được điều trị có đến 70% nguy cơ lây nhiễm sang thai nhi.

Báo cáo về đề tài “Hàng loạt trường hợp giang mai bẩm sinh” tại Hội nghị khoa học Da liễu khu vực phía Nam năm 2018 diễn ra ngày 30/9, bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thùy – Bệnh viện Da Liễu Thành phố đã khuyến cáo, giang mai bẩm sinh là một gánh nặng kinh tế và sức khỏe toàn cầu nghiêm trọng với hơn một nữa số trường hợp dẫn đến hậu quả xấu nghiêm trọng kể cả tử vong ở trẻ sơ sinh.

Trong bốn năm đầu tiên mắc bệnh giang mai, phụ nữ không được điều trị có đến 70% nguy cơ lây nhiễm sang thai nhi. Bệnh giang mai bẩm sinh là một trong những bệnh có thể ngăn ngừa được bằng penicillin có sẳn, rẻ tiền và hiệu quả cao.

Giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP phát biểu khai mạc hội nghị khoa học Da liễu khu vực phía Nam năm 2018.

Bác sĩ Thanh Thùy khuyến cáo, thời gian bắt đầu điều trị trong giai đoạn mang thai hết sức quan trọng, tốt nhất khi dùng penicillin trước tam cá nguyệt thứ 3 nghĩa là vào tuần 28 của thai kỳ sẽ hiệu quả 98% trong việc ngừa bệnh giang mai bẩm sinh.

Giang mai là một bệnh nhiễm trùng mạn tính ở đa cơ quan với 3 đường lây truyền chính là đường tình dục, đường truyền máu, và mẹ lây truyền sang con.

Nhiễm trùng thai nhi từ người mẹ bị nhiễm bệnh dẫn đến giang mai bẩm sinh và khi mắc giang mai bẩm sinh có thể gây sẩy thai, thai chết lưu, sinh non và tử vong sơ sinh, ngay cả trẻ sơ sinh còn sống có thể phát triển các biểu hiện của giang mai bẩm sinh gây biến dạng răng và xương, thậm chí mù lòa hoặc điếc.

Bên cạnh đề tài trên, Hội nghị diễn ra với nhiều báo cáo khoa học hay liên quan đến những tiến bộ hiện nay trong chuyên ngành Da liễu như “kiến thức mới trong điều trị viêm tuyến mồ hôi mưng mủ”, “những khuyến cáo trong điều trị rám má dựa trên y học chứng cứ”, “kiểm soát cơn ngứa mạn tính” và “điều trị bớt sắc tố bẩm sinh”. 

Tại sao khi đói bạn thường giận dữ? - Giảm đường huyết do bỏ bữa ăn làm ảnh hưởng đến tâm trạng, khiến bạn dễ trở nên giận dữ.
Bệnh tay chân miệng tại Quảng Ngãi tăng đột biến - Ngày 29.9, Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết bệnh tay chân miệng (TCM) tại tỉnh này đang diễn tiến phức tạp với số ca mắc mới liên tục gia tăng.