1. Tìm hiểu những vấn đề về cắt bao quy đầu
1.1. Cắt bao quy đầu là gì?
Phần đầu dương vật gọi là quy đầu, phần da che chở cho phần quy đầu gọi là da quy đầu. Bé trai khi sinh ra đã có da quy đầu.
Cắt bao quy đầu được hiểu là một thủ thuật ngoại khoa giúp cắt bỏ một phần da bao quy đầu, nhằm giải quyết tình trạng chít hẹp bao quy đầu.
1.2. Khi nào cần cắt bao quy đầu?
Cắt bao quy đầu khi bị hẹp bao quy đầu có nguy cơ gây viêm nhiễm (Nguồn: Internet)
Bác sĩ sẽ chỉ định cắt bao quy đầu trong trường hợp bao quy đầu bị chít hẹp, là tình trạng nam giới không thể tuột bao quy đầu ra hoặc bị thắt nghẽn bao quy đầu, viêm nhiễm tái phát nhiều lần.
Ngoài ra, một số trường hợp liên quan đến thẩm mỹ, tôn giáo hay mùi hôi khó chịu, khó vệ sinh cũng là lý do chính đáng để cắt bao quy đầu.
1.3. Cắt bao quy đầu để làm gì?
Việc cắt bao quy đầu sẽ mang lại những lợi ích sau đây:
- Cắt bao quy đầu ở người lớn: Nam giới thực hiện cắt bao quy đầu sẽ giúp vệ sinh dương vật dễ dàng hơn, giúp giữ gìn bộ phận sinh dục luôn sạch sẽ, hạn chế nguy cơ ung thư dương vật, tránh nhiễm khuẩn đường sinh dục, viêm bao quy đầu,...thậm chí giảm thói quen thủ dâm ở một số nam giới bị hẹp bao quy đầu.
- Cắt bao quy đầu ở trẻ em: Ở trẻ em rất ít trường hợp phải cắt bao quy đầu, trừ những trường hợp bị hẹp bao quy đầu bệnh lý mới cần thực hiện thủ thuật này. Khi đó, cắt bao quy đầu sẽ giúp tránh ứ đọng bựa sinh dục, ứ đọng nước tiểu, phòng tránh viêm bao quy đầu.
1.4. Cắt bao quy đầu có đau không?
Cắt bao quy đầu là một thủ thuật, cần đảm bảo các điều kiện như phòng mổ sạch sẽ, vô trùng, phẫu thuật viên cần có tay nghề cao. Đối với trẻ nhỏ dưới 12 tuổi cần phải được gây mê khi thực hiện thủ thuật. Mặc dù có gây tê hoặc gây mê nhưng thủ thuật này cũng có thể gây đau đớn, chảy máu. Mức độ đau tùy thuộc vào cơ địa của người bệnh và trình độ tay nghề của người thực hiện.
1.5. Cắt bao quy đầu bao lâu thì lành?
Thông thường, sau khi cắt bao quy đầu khoảng 2 – 3 tuần thì mọi sinh hoạt có thể trở lại bình thường. Tái khám đúng lịch hẹn và tuân thủ theo những hướng dẫn của bác sĩ thì vết thương sẽ nhanh chóng lành lại.
1.6. Sau khi cắt bao quy đầu cần làm gì?
Sau phẫu thuật, người bệnh cần dùng thuốc giảm đau, sát trùng tại chỗ. Bên cạnh đó người được cắt da quy đầu cần chăm sóc tốt phần vết thương như thay băng, giữ khô vết thương.
Nếu băng bị dính nước tiểu hoặc dịch tiết cần được thay lại. Khi vết thương liền, người bệnh có thể tắm rửa, tiếp xúc với nước. Thông thường nếu bác sĩ sử dụng khâu vết thương cho bệnh nhân bằng chỉ tan như chromic, chỉ sẽ tự tiêu trong khoảng một tuần mà không cần phải đi cắt chỉ.
1.7. Cắt bao quy đầu có nguy hiểm gì không?
Trong quá trình cắt bao quy đầu và hậu phẫu, vết thương là một cửa ngõ để các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi xâm nhập nên các lây nhiễm có thể xảy ra trong thời gian này. Ngoài ra, các tác dụng phụ liên quan đến gây mê cũng có thể xảy ra.
Cắt bao quy đầu bị đau và biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra (Nguồn: Internet)
1.8. Không cắt bao quy đầu có sao không?
Thật ra khi nam giới kéo được da quy đầu để vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày thì không nhất thiết phải cắt. Nếu bị hẹp bao quy đầu mà không thực hiện thủ thuật cắt bao quy đầu khiến dương vật bị mắc kẹt bởi bao quy đầu có thể sẽ cắt đứt nguồn cung cấp máu đến đầu dương vật, từ đó gây viêm, nhiễm trùng quy đầu.
Rất hiếm trẻ nhỏ cần cắt bao quy đầu, do đó phụ huynh nên kiên nhẫn chăm sóc cho trẻ và hướng dẫn trẻ tự chăm sóc về sau thay vì cố gắng tuột da quy đầu một cách thô bạo. Khi da quy đầu hẹp rõ hoặc viêm nhiễm tái phát nhiều lần, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được tư vấn và thực hiện thủ thuật cần thiết.
Để biết không cắt bao quy đầu có ảnh hưởng gì không thì bạn nên đi khám cụ thể, việc có nên cắt bao quy đầu hay không nên được bác sĩ quyết định sau khi đã thăm khám, bởi vì không phải tất cả các trường hợp hẹp bao quy đầu đều phải cắt bao quy đầu.