Chờ...

AFP là gì, khi nào cần xét nghiệm AFP để chẩn đoán bệnh?

(VOH) - Xét nghiệm AFP có giá trị lớn trong sàng lọc, tầm soát ung thư gan cũng như phát hiện dị dạng thai nhi. Vậy AFP là gì và khi nào cần thực hiện xét nghiệm này?

1. Xét nghiệm AFP là gì?

AFP (Alpha-fetoprotein) là một protein bình thường của các tế bào gan còn non, hình thành trong giai đoạn bào thai. Trong điều kiện bình thường, AFP ở trong máu của trẻ sơ sinh hay phụ nữ có thai thường tăng cao. Ở điều kiện bệnh lý, AFP sẽ được tiết bởi các tế bào ung thư gan, ung thư tinh hoàn và ung thư buồng trứng,... hoặc tế bào gan tái sinh (ở trong viêm gan mạn tính).

afp-la-gi-khi-nao-can-xet-nghiem-afp-de-chan-doan-benh-voh-1

Xét nghiệm AFP là một xét nghiệm máu nhằm chẩn đoán các bệnh ung thư và dị tật thai nhi (Nguồn: Internet)

Xét nghiệm AFP là một xét nghiệm máu được dùng để đo nồng độ AFP trong cơ thể. Xét nghiệm này thường được sử dụng phối hợp với các xét nghiệm khác để xem thử thai nhi có bị dị dạng hay bất thường gì không trong quá trình mẹ đang mang thai.

Ngoài ra, xét nghiệm này còn được sử dụng ở những người không mang thai. Trong trường hợp này, nó có vai trò là 1 chất chỉ điểm để tầm soát xem bạn có bị mắc các bệnh ung thư như ung thư gan, tinh hoàn và buồng trứng không. Bên cạnh đó, nó còn được dùng để theo dõi tiến trình bệnh của các bệnh nhân mắc bệnh gan mãn tính như xơ gan, viêm gan siêu vi C và B. Bởi những bệnh gan này có thể dẫn đến ung thư gan.

2. Khi nào nên thực hiện xét nghiệm AFP?

Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm AFP trong các trường hợp sau:

  • Bác sĩ nghi ngờ bạn có nguy cơ bị ung thư gan, ung thư tinh hoàn hoặc ung thư buồng trứng. Dấu hiệu nghi ngờ thường là một khối u xuất hiện bên trong bụng của bạn được phát hiện qua thăm khám hoặc qua các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hay CT scan.
  • Xét nghiệm AFP để theo dõi tiến triển bệnh ở những người đã bị ung thư gan, ung thư buồng trứng, tinh hoàn.
  • Xét nghiệm AFP nhằm phát hiện ung thư gan tái phát trở lại trên những người đã điều trị ung thư gan trước đó.
  • Mẹ bầu được chỉ định làm xét nghiệm AFP ở tháng thứ 4 của thai kỳ.

3. Quy trình xét nghiệm AFP được thực hiện như thế nào?

Xét nghiệm AFP thường được thực hiện qua các bước sau:

  • Quấn một dải băng quanh tay để ngưng máu lưu thông.
  • Sát trùng chỗ tiêm bằng cồn.
  • Tiêm kim vào tĩnh mạch. Có thể tiêm nhiều hơn 1 lần nếu cần thiết.
  • Gắn một cái ống để máu chảy ra.
  • Tháo dải băng quanh tay sau khi lấy đủ máu.
  • Dán băng cá nhân lên chỗ vừa tiêm.

Lấy máu xét nghiệm AFP có đau hay không sẽ còn phụ thuộc vào kỹ năng lấy máu của điều dưỡng, tình trạng tĩnh mạch của bạn và mức độ nhạy cảm của bạn với cơn đau.

Sau khi lấy máu, bạn cần băng và ép nhẹ lên vùng chọc kim để cầm máu. Bạn có thể trở lại hoạt động bình thường sau xét nghiệm.

4. Hướng dẫn đọc kết quả xét nghiệm AFP

Nồng độ AFP trong máu của bạn được tính bằng nanogam trên mililit (ng/mL).

  • Mức bình thường đối với hầu hết những người trưởng thành khỏe mạnh là từ 0 – 8 ng/mL.
  • Mức rất cao từ 500 – 1000 ng/mL trở lên, thường là dấu hiệu của các bệnh ung thư.
  • Khi bạn mắc bệnh gan mà nồng độ AFP trên 200 ng/mL thì rất có thể bạn bị ung thư gan.

afp-la-gi-khi-nao-can-xet-nghiem-afp-de-chan-doan-benh-voh-2

Xét nghiệm AFP hỗ trợ chẩn đoán bệnh ung thư gan (Nguồn: Internet)

Đối với những người có nồng độ AFP tăng nhưng dưới 200 ng/mL, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm AFP-L3% (còn gọi là L3AFP). Kết quả này giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác, đặc biệt là khi bạn bị bệnh gan mãn tính. Kết quả AFP-L3% từ 10% trở lên cho thấy bạn có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn và bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu ung thư gan từ cơ thể bạn. Những xét nghiệm này cũng có thể giúp bác sĩ theo dõi quá trình điều trị ung thư cũng như giúp điều trị hiệu quả hơn.

Như vậy, xét nghiệm AFP đóng vai trò quan trọng trong việc tầm soát và chẩn đoán sớm ung thư gan và dị tật thai nhi. Thực hiện xét nghiệm AFP là cách để bạn nhanh chóng phát hiện có các vấn đề sức khỏe nói trên, để từ đó bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả kịp thời.