Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

ALT là gì, khi nào cần xét nghiệm ALT?

(VOH) - Khả năng làm việc của gan được đánh giá gián tiếp qua xét nghiệm các thành phần có liên quan đến men gan, trong đó có ALT. Vậy ALT là gì, khi nào cần xét nghiệm?

1. ALT là gì?

Xét nghiệm ALT/GPT là xét nghiệm nồng độ ALT/GPT (alanine aminotransferase) nhằm chẩn đoán bệnh gan.

ALT (Aspartate Amino Transferase) là loại enzym được tìm thấy chủ yếu ở các tế bào của gan và thận, một lượng nhỏ hơn của nó cũng được tìm thấy trong cơ tim và cơ bắp. Bất kỳ chấn thương nào hoặc các bệnh ảnh hưởng đến gan đều khiến enzyme này từ gan sẽ bài tiết vào máu, do đó làm cho nồng độ của enzym ALT sẽ gia tăng lên trong máu.

alt-la-gi-khi-nao-can-xet-nghiem-alt-voh-1

Xét nghiệm ALT giúp chẩn đoán bệnh lý về gan (Nguồn: Internet)

Nhìn chung, nguyên nhân của việc tăng nồng độ ALT trong máu đa số là do bệnh ở gan. Vì vậy, enzym này rất nhạy và đặc hiệu trong việc xác định bệnh ở gan.

Để xác định bệnh gan, ngoài xét nghiệm đo nồng độ ALT, bác sĩ còn sử dụng thêm một số xét nghiệm khác như đo nồng độ AST, alkaline phosphatase, LDH, bilirubin. Nếu cả enzym ALT và AST cùng tăng thì khả năng gan của bạn đang bị tổn thương là rất cao.

Bình thường thì chỉ số xét nghiệm của ALT trong khoảng từ 20 - 40 UI/L, tương đương với mức bình quân của men AST.

2. Khi nào cần xét nghiệm ALT?

Xét nghiệm ALT sẽ được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Xác định bệnh gan, đặc biệt là những bệnh như xơ gan và viêm gan do rượu, thuốc hay do siêu vi.
  • Kiểm tra xem gan có bị tổn thương không.
  • Xét nghiệm để tìm nguyên nhân của bệnh vàng da, xem thử là do bất thường về máu hay bất thường ở gan.
  • Theo dõi tình trạng gan khi đang dùng một số loại thuốc điều trị các bệnh khác như gây độc lên gan.

3. Nên làm gì trước khi thực hiện xét nghiệm ALT/GPT?

Trước khi tiến hành xét nghiệm ALT bạn nên tránh hoạt động quá nặng và phải báo cho bác sĩ biết những việc sau đây:

  • Mọi loại thuốc được kê đơn và các loại thảo dược bạn đang sử dụng.
  • Những loại thuốc mà bạn bị dị ứng.
  • Bạn đang có thai hay không.

Ngoài ra, khi đi xét nghiệm bạn nên mặc áo ngắn tay để điều dưỡng có thể dễ dàng lấy máu từ cánh tay của bạn.

4. Quy trình thực hiện xét nghiệm ALT/GPT

Khi thực hiện xét nghiệm ALT/GPT, chuyên viên y tế lấy máu sẽ thực hiện những bước sau:

  • Quấn một dải băng quanh tay để ngưng máu lưu thông.
  • Sát trùng chỗ tiêm bằng cồn.
  • Tiêm kim vào tĩnh mạch. Có thể tiêm nhiều hơn 1 lần nếu cần thiết.
  • Gắn một cái ống để máu chảy ra.
  • Tháo dải băng quanh tay sau khi lấy đủ máu.
  • Thoa miếng gạc băng hay bông gòn lên chỗ vừa tiêm.
  • Dán băng cá nhân lên chỗ vừa tiêm.

Bác sĩ, điều dưỡng hoặc y tá sẽ thực hiện lấy máu nhằm xét nghiệm ALT/GPT. Sau khi lấy máu, bạn cần băng và ép nhẹ lên vùng chọc tĩnh mạch lấy máu để giúp cầm máu. Bạn có thể trở lại hoạt động bình thường sau xét nghiệm.

5. Lời khuyên khi chỉ số ALT tăng cao

Nếu phát hiện chỉ số ALT cao bạn nên làm theo những hướng dẫn của bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý những điều sau:

alt-la-gi-khi-nao-can-xet-nghiem-alt-voh-2

Hãy hạn chế uống bia, rượu để phòng tránh tăng ALT trong máu 

  • Hạn chế tuyệt đối hoặc không sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các loại nước giải khát có cồn.
  • Nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để được bác sĩ theo dõi và đánh giá tiến triển của bệnh.
  • Không ăn quá nhiều mỡ động vật.
  • Hạn chế các loại thức ăn chiên, xào nhiều dầu mỡ.
  • Chăm chỉ tập thể dục thể thao, vận động cơ thể một cách nhẹ nhàng.
Bình luận