Chờ...

Bà bầu bị sởi và những biến chứng nguy hiểm phải đối mặt trong thai kỳ

(VOH) – Mặc dù tỷ lệ bà bầu bị sởi không cao, nhưng một khi mắc bệnh thì cả mẹ và bé đều đặt trong tình trạng khẩn cấp, bởi căn bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bệnh sởi do virus paramyxovirus gây ra và phổ biến ở trẻ nhỏ hơn người lớn. Tuy nhiên những năm gần đây, căn bệnh này đã mang đến một số lo ngại cho phụ nữ mang thai, bởi tính lây lan cao và dẫn đến nhiều biến chứng.

Dấu hiệu bị sởi khi mang thai

Virus gây bệnh sởi thường có thời gian ủ bệnh từ 7 – 21 ngày (trung bình khoảng 10 ngày). Dấu hiệu bị sởi khi mang thai cũng giống với người bình thường mắc bệnh, đều sẽ trải qua 3 giai đoạn:

  1.  Giai đoạn ủ bệnh

  • Bệnh nhân thường có biểu hiện sốt cao từ 39 – 40 độ.
  • Xuất hiện tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi.
  • Viêm thanh quản cấp với biểu hiện khàn tiếng.
  • Xuất hiện các hạt Koplik là những hạt nhỏ có kích thước từ 0.5 – 1mm màu trắng hoặc xám, có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng).
  1. Giai đoạn toàn phát

ba-bau-bi-soi-va-nhung-bien-chung-nguy-hiem-phai-doi-mat-trong-thai-ky-voh

Nổi hồng ban là đặc trưng của bệnh sởi (Nguồn: Internet)

  • Sau 3 – 4 ngày sốt cao, người bệnh nổi hồng ban. Ban là những nốt hồng dát sẩn, khi căng da thì biến mất.
  • Đầu tiên, ban thường xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ, sau đó lan dần đến thân và tứ chi, cả lòng bàn tay và bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân, sốt sẽ giảm.
  1. Giai đoạn hồi phục

  • Khi các nốt ban nhạt màu dần rồi chuyển sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm, sau đó biến mất theo thứ tự khi xuất hiện. Nếu không xuất hiện biến chứng, bệnh sẽ tự khỏi.
  • Bệnh sởi thường sẽ kèm theo ho kéo dài 1 – 2 tuần sau khi hết ban.

Đặc trưng của bệnh sởi là nổi hồng ban. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người bị bệnh sởi không có các triệu chứng điển hình của bệnh khiến người bệnh tưởng rằng mình bị cúm hoặc sốt phát ban thông thường nên thường bỏ qua, dễ lây lan cho cộng đồng. Hoặc người bệnh cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề kèm theo viêm phổi nặng.

Xem thêm: Tiêm phòng sởi: Trẻ tiêm vắc xin sởi có bị sốt không?

Bà bầu bị sởi có nguy hiểm không ?

Phụ nữ mang thai sức đề kháng thường suy yếu nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sởi. Đặc biệt, với những mẹ bầu chưa được tiêm phòng sởi thì khả năng mắc bệnh sẽ càng cao hơn.

Nhiều người cho rằng, bà bầu bị sởi sẽ làm tăng nguy cơ thai nhi bị dị tật. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bị sởi khi mang thai không gây dị tật thai nhi, nhưng sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong ở người mẹ cao gấp 3 lần so với phụ nữ không mang thai.

Ngoài ra, bà bầu bị sởi còn làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc trẻ bị nhẹ cân, bị nhiễm sởi tiên phát.

ba-bau-bi-soi-va-nhung-bien-chung-nguy-hiem-phai-doi-mat-trong-thai-ky-1-voh

Phụ nữ mang thai sức đề kháng thường suy yếu nên dễ mắc bệnh sởi (Nguồn: Internet)

Khi nhiễm sởi, mẹ bầu sẽ có triệu chứng sốt cao, tăng thân nhiệt, nhịp tim của mẹ sẽ làm tăng nhiệt độ buồng ối và tần số tim thai, từ đó gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của thai nhi, khiến tim thai phải làm việc quá sức dẫn đến suy thai, chuyển dạ sinh non...

Nếu bà bầu bị sởi ở cuối thai kỳ, virus sởi xâm nhập qua gai nhau vào cơ thể thai nhi, khiến thai nhi bị nhiễm sởi tiên phát, tăng tỷ lệ tử vong sau sinh do biến chứng viêm màng não cấp.

Xem thêm: Bệnh sởi cần kiêng gì để rút ngắn thời gian điều trị và tránh bệnh tiến triển nặng 

Cách chữa bệnh sởi khi mang thai

Hiện nay sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó phụ nữ khi mang thai nếu có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh sởi thì nên nhanh chóng đến ngay các cơ sở y tế được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Nếu mẹ bầu được xác định đã mắc bệnh sởi, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị chặt chẽ để có thể hạn chế các biến chứng có thể xảy ra.

Cách phòng bệnh sởi khi mang thai

Tiêm phòng vắc-xin chính là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế TG, phụ nữ nên tiêm phòng sởi trước khi mang thai ít nhất 1 tháng.

Nếu không được miễn dịch và tiếp xúc với virus khi đang mang thai, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để tiêm globulin miễn dịch nhằm ngăn chặn sự phát triển của bệnh sởi.

Ngoài ra, phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ cần lưu ý:

  • Tránh tiếp xúc với người đang bị bệnh.
  • Hạn chế đến những nơi đông người, nên đeo khẩu trang khi ra ngoài.
  • Ăn uống đủ chất, bổ sung khoáng chất và vitamin, đặc biệt là vitamin C để tăng sức đề kháng.
  • Giữ ấm cơ thể.
  • Giữ gì vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát.

Lời khuyên dành cho bà bầu bị sởi

Nếu chưa được tiêm phòng sởi, mẹ bầu hoàn toàn có thể mắc bệnh sởi trong thai kỳ. Vì thế, nếu nghi ngờ bị lên sởi khi mang thai hoặc có các triệu chứng sau đây, mẹ hãy đến bệnh viện ngay lập tức:

  • Khó thở.
  • Đau ngực dữ dội, cảm thấy mệt hơn mỗi khi thở.
  • Ho ra máu.
  • Co giật.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm có khả năng lan nhanh, dễ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở phụ nữ có thai, tuy không gây dị tật thai nhi nhưng có thể gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non,... Do vậy, các mẹ bầu nên thực hiện tiêm phòng vắc xin sởi trước khi mang thai và chủ động phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.

Tất cả những điều cần biết về bệnh sởi : Bệnh sởi là một bệnh dễ lây lan thành dịch, thường gặp ở trẻ em. Những đứa trẻ không được tiêm phòng đầy đủ, khi mắc bệnh sởi sẽ có nguy cơ tử vong cao.
Giải đáp thắc mắc: Triệu chứng bệnh sởi có gây ngứa không? : Bệnh sởi có ngứa không là câu hỏi được nhiều người quan tâm, bởi việc biết sởi có gây ngứa không sẽ giúp họ dễ dàng nhận biết cũng như phân biệt với bệnh lý khác có triệu chứng tương ...