Bác sĩ Dương Thanh Hải: Nghề đã chọn mình!

(VOH) - Sau đợt nhiễm bệnh khi đi Bệnh viện dã chiến về, sụt 3 kg…tuy nhiên, Bác sĩ Dương Thanh Hải vẫn viết đơn tình nguyện đi tiếp.

Có lẽ khi đã dấn thân vào nghề, với người thầy thuốc mỗi người đều có hoài bão, lý tưởng làm nghề theo cách nghĩ riêng của mỗi người… nhưng tất cả đều có chung một mục tiêu, một hướng đến đó là hết lòng vì người bệnh. Cao 1 mét 75, nhưng chỉ nặng có 55 kg. Sau đợt nhiễm bệnh khi đi Bệnh viện dã chiến về, sụt mất 3 kg… tuy nhiên, Bác sĩ Dương Thanh Hải vẫn viết đơn tình nguyện đi tiếp. Nguồn năng lượng, sự nhiệt huyết trong người của Bác sĩ Hải luôn cháy bỏng. Viết đơn xin tình nguyện tiếp tục vào Bệnh viện dã chiến, đó là sựa lựa chọn tiếp tục đồng hành cùng bệnh nhân. Và hơn ai hết, khi đã trải qua căn bệnh, đã từng là F0 giúp cho Bác sĩ Hải có sự đồng cảm sâu sắc, hiểu rõ từ những điều nhỏ nhặt nhất mà người bệnh cần cũng như chính mình đã có lúc nếm trải. VOH có cuộc trò chuyện với Bác sĩ Dương Thanh Hải, Khoa Ung bướu - Bệnh viện Bình Dân, hiện đang có mặt tại Bệnh viện Dã chiến số 8, một hành trình mà theo Bác sĩ Hải vẫn không thôi tiếp bước, đồng hành cùng bệnh nhân:

Nghề đã chọn mình! 1
Bs Hải tâm niệm sống trọn vẹn với nghề khi nghề đã chọn mình

*VOH: Xin chào Bác sĩ Dương Thanh Hải, khi xác định lên đường nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến 8, bác sĩ có suy nghĩ về nguy cơ mình nhiễm bệnh cũng như có ngày mình trở thành F0 hay không? Và cảm giác lúc ấy có quá nặng nề hay không?

Bác sĩ Dương Thanh Hải: Nhớ lúc trước, khi nghe tiếng F0 người ta sẽ nghĩ tới đến sự nguy hiểm luôn chực chờ. Ngay cả với những người bình thường hay nhân viên y tế ở bệnh viện, khi có F0 xuất hiện thì nơi tiếp nhận sẽ rất xáo trộn. Nhớ lúc đó, khi nhận công tác thì tôi cùng đồng nghiệp đội công tác đi đến Trung tâm thu dung F1 thôi, mình đi đến để chăm sóc họ. Tuy nhiên, khi đến có sự thay đổi thì biết là Trung tâm thu dung F0 và mình nhận nhiệm vụ tại đây.

Là bác sĩ đã được tập huấn thì mình luôn trong tâm thế sẵn sàng. Nhưng, lúc đó cũng không biết mình phải nói với gia đình như thế nào đây. Và rồi, chỉ kịp điện thoại về thông báo cho vợ và sáng mai là đã lên đường. Lên xe, ngồi với mấy bạn, mình nói với bạn đồng nghiệp rằng xác định lần này lên đường chiến đấu với kẻ thù vô hình, và xác định là mình sẽ có thể nhiễm bệnh bất kỳ lúc nào. Mấy bạn cố gắng bảo vệ tối đa cho mình và hoàn thành nhiệm vụ trở về.

*VOH: Khi mình nhận nhiệm vụ công tác bao lâu thì mình nhận tin nhiễm bệnh, bác sĩ Hải có thể chia sẻ?

Bác sĩ Dương Thanh Hải: Lúc mình lên Bệnh viện dã chiến số 2, mình không nghĩ mình nhiễm sớm vậy đâu. Ngày thứ nhất bệnh viện này nhận 6.000 bệnh nhân, ngày thừ hai nhận 1.200 bệnh nhân. Mình đến vào ngày thứ ba, mấy đội bệnh viện trước họ cũng làm việc liên tục, liên tục với cường độ cao suốt 48 tiếng rồi, nên mình vào là bắt tay nhập cuộc ngay.

Công việc cứ thế trôi đi với khối lượng công việc rất khủng khiếp. Sau 4 ngày làm việc thì khi xét nghiệm mẫu gộp cho nhân viên y tế thì trong mẫu gộp có một mẫu dương tính. Lúc đó nhận điện thoại riêng từ chị điều dưỡng trưởng. Ngay lúc đó mình cũng rất lo lắng, mình không nghĩ là lây lan nhanh dữ vậy, lo lắng không chỉ cho riêng mình mà cho các bạn đồng nghiệp trong mẫu gộp đó nữa. Lúc đó, nhiều câu hỏi cứ đặt ra, đặt ra …

Cá nhân mình được Ban giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 2 giao cho trách nhiệm quản lý nguyên block B gồm 1.250 bệnh cùng các trưởng tầng, công việc bắt đầu mới vô guồng trôi chảy nhưng đành gác lại vì lúc đó F0 phải cách ly điều trị không thể nào ở lại công tác vì lây nhiễm xung quanh. Mình được chuyển về Bệnh viện dã chiến số 8, nơi Bệnh viện Bình Dân hỗ trợ đảm trách tại đó và mình cũng là bệnh nhân của chính bệnh viện mình công tác luôn.

*VOH: Thưa bác sĩ Hải, trong bối cảnh lúc đó giai đoạn đầu dịch rộ lên, khi nhiễm bệnh lúc đó cảm giác e rằng cũng sẽ rất hoang mang, vì lúc đó thật sự việc phơi nhiễm y tế cũng làm cho mình có xáo trộn, ảnh hưởng tâm lý. Tuy nhiên, vì sao bác sĩ sau khi nhiễm bệnh lại viết đơn tình nguyện xin tiếp tục đi bệnh viện dã chiến sát cánh cùng bệnh nhân. Có lẽ nguyên nhân nào đã thôi thúc mình xin ở lại bác sĩ có thể chia sẻ với thính giả VOH?

Bác sĩ Dương Thanh Hải: Mình nghĩ đơn giản thôi, là nhân viên y tế nếu mình không dấn thân vô làm thì còn ai dám xông pha cùng mình nữa!

Mình có kinh nghiệm từ Bệnh viện dã chiến số 2 nên về Bệnh viện dã chiến số 8, với vai trò bệnh nhân, đã trải qua bệnh nên mình biết được đường đi của bệnh này như thế nào, khi nào bệnh trở nặng, mất mùi mất vị ra sao, mất ngủ như thế nào. Do vậy, tại Bệnh viện dã chiến số 8, mình ở đối diện phòng bệnh nặng và cũng tham gia với vai trò hỗ trợ cho bệnh nhân. Khi vào tình huống báo động hay bất ổn, mình sẽ đeo khẩu trang chạy qua. Mình sẽ quan sát và báo động nếu bệnh nhân gặp vấn đề trở nặng của bệnh.

*VOH: Có lẽ chuyến công tác xung phong trong đợt đầu khi dịch bùng phát đã để lại trong đời làm nghề của Hải rất nhiều dấu ấn khó phai. Và tới nay, ngay hiện tại bây giờ, Hải lại tiếp tục tình nguyện xông pha. Duyên cớ nào bác sĩ Hải có thể chia sẻ với thính giả?

Bác sĩ Dương Thanh Hải: Mình đi Bệnh viện dã chiến số 2 sau khi công tác nhiễm bệnh, về Bệnh viện dã chiến số 8 với vai trò bệnh nhân. Ở đây hai tuần, mình xuất viện về nhà cách ly tại nhà theo quy định lúc trước là 14 ngày. Là nhân viên y tế, sau đó phải làm PCR âm tính 2 lần thì mới quay lại làm việc. Trong lần hoàn thành cách ly đó, mình tiếp tục đăng ký lại, nếu mà đợt tiếp theo bệnh viện cử đội đi thì mình sẽ tham gia. Hiện lúc đó mình cũng chỉ còn 52kg, vì sau khi đi dã chiến về lại bị bệnh sụt mất 3kg. Và thực sự lúc đó sau khi bị bệnh, mình cảm thấy yếu hơn nhiều, như bình thường leo cầu thang 4, 5 tầng không sao nhưng nay đi được 2 tầng là bắt đầu thở, thở và thở… Khi đeo khẩu trang nói chuyện thì đồng nghiệp cảm nhận mình như bị hụt hơi, người thì xanh xao. Dù cá nhân tình nguyện đi nhưng tổ chức thấy sức khỏe mình đảm bảo thì mới cho phép. Và khi cảm giác sức khỏe bản thân ổn định thì cá nhân mình tiếp tục tiến bước thôi.

*VOH: Khi bước chân vào nghề Y, câu “thầy thuốc như mẹ hiền” đã được Hải cảm nhận như thế nào để có thể vượt trên cả đó là nghị lực, mình sát cánh với bệnh nhân của mình?

Bác sĩ Dương Thanh Hải: Cá nhân mình luôn nghĩ sức khỏe con người là quan trọng nhất. Và khi tính mạng gặp nguy hiểm mình ở góc độ chuyên môn, đứng ngoài cuộc thì mình cảm thấy sao sao đó, không thể đứng ngoài cuộc được!

Người ta nói nghề chọn người là đúng. Mà đã chọn như vậy rồi thì chắc chắn ai đi theo ngành y cũng sẽ như tôi, hoàn cảnh như vậy thì mình phải đứng lên tham gia đội ngũ chống dịch hết. Như cả nước bây giờ chúng ta đều thấy, nhân viên y tế không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mà tất cả từ những tỉnh thành bạn, từ những vùng dịch cũ họ đều hăng hái lên đường, rồi các bệnh viện lớn của Hà Nội nữa...họ đều vào Thành phố chống dịch. Họ đi xa hơn mình nữa, trước khi đi cũng chưa hẹn ngày trở về nữa. Đó là những đồng nghiệp của mình, họ làm được như vậy thì mình cũng chỉ góp chút sức mọn cho cộng đồng mà thôi.

*VOH: Xin cảm ơn những sẻ chia của Bác sĩ Hải rất nhiều!