PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, bệnh cúm có 3 chủng thông thường là cúm A, B và C. Trong đó, cúm A là dạng cúm từ các loại gia cầm và chim, còn cúm B và C là dạng cúm theo mùa và thường gặp nhất là cúm B.
Dấu hiệu nhận biết cúm A H1N1
Virus H1N1 là một chủng virus cúm A và bắt nguồn từ các loại gia cầm, chim,…PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay cho biết, khi siêu vi cúm xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ đi thẳng vào đường hô hấp trên và đến nhu mô phổi. Đối với người khỏe mạnh, sức đề kháng tốt thì bệnh sẽ diễn ra trong vòng 7 – 10 ngày và tự khỏi. Với những cơ thể có hệ miễn dịch kém như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai thì sẽ có những triệu chứng nghiêm trọng và dữ dội hơn.
Khi bị nhiễm virus cúm H1N1, người bệnh sẽ có những triệu chứng sau đây:
Sốt là triệu chứng đầu tiên khi nhiễm virus H1N1 (Nguồn: Internet)
- Trong ngày đầu tiên, người bệnh thường sốt cao, trên 38 độ C, thậm chí sốt cao 40 độ C. Người bệnh sử dụng thuốc hạ sốt, cơn sốt dịu xuống nhưng sau vài tiếng có thể sốt cao trở lại.
- Đau nhức cơ thể, đau đầu và đau cơ.
- Cảm giác ớn lạnh.
- Ho, hắt hơi, đau họng.
- Nhạy cảm với ánh sáng, mắt mệt mỏi.
- Choáng, chóng mặt.
Nếu có biểu hiện sốt cao kèm những triệu chứng trên thì bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra và được điều trị đúng cách. Việc chữa trị chậm trễ cúm A H1N1 có thể dẫn đến viêm phổi và suy hô hấp, nguy hiểm cho tính mạnh.
Biện pháp phòng chống cúm A H1N1
Bác sĩ Bay cho biết, dịch cúm H1N1 có thể lây lan từ gia cầm sang người, từ người sang người qua tia bắn của nước bọt. Môi trường ẩm thấp là điều kiện để virus cúm sinh sôi và sống lâu hơn, nhưng với môi trường nhiều ánh sáng thì sự sinh sôi của chúng sẽ giảm đi đáng kể. Do đó, bạn có thể phòng ngừa cúm bằng những giải pháp sau đây:
-
Đối với người khỏe mạnh
- Chú ý vấn đề vệ sinh: Thường xuyên vệ sinh môi trường sống, vệ sinh thân thể như tắm rửa mỗi ngày, súc miệng bằng nước muối ấm để bảo vệ đường hô hấp.
- Đeo khẩu trang: Khi đi ra ngoài phải đeo khẩu trang che miệng và mũi.
- Rửa tay thường xuyên: Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi cầm nắm thanh vịnh cầu thang ở những nơi công cộng,…
- Giữ nhà cửa thông thoáng: Dọn dẹp nhà cửa thông thoáng để không tạo điều kiện cho virus sinh sôi và phát triển.
- Giặt chăn, gối thường xuyên: Chăn, drap, gối, nệm nên được giặt thường xuyên. Nếu trong nhà có người bị cúm thì phải giặt bằng nước ấm và phơi thật khô.
- Cân bằng dinh dưỡng: Ngoài việc bổ sung đầy đủ các thành phần dinh dưỡng thì bạn nên tăng cường thêm các loại thực phẩm giúp tăng sức đề kháng như gừng, mật ong, tỏi, hành,…Uống nước chanh ấm với mật ong cũng là cách để tăng sức đề kháng tốt. Ngoài ra, bạn phải uống đủ nước mỗi ngày, hạn chế uống nước lạnh.
- Chích ngừa cúm hàng năm: Từ trẻ em đến người lớn ai cũng nên chủ động đi tiêm ngừa cúm mỗi năm. Chủng ngừa cúm hiện nay là một tái tổ hợp giúp ngăn chặn các loại virus, hầu như không gây ra phản ứng nguy hiểm cho sức khỏe nên bạn có thể yên tâm.
-
Đối với người đã bị cúm
Nếu đã bị cúm, bạn nên đeo khẩu trang y tế đặc biệt khi tiếp xúc với người khác (Nguồn: Internet)
- Đeo khẩu trang y tế đặc biệt để phòng ngừa lây lan cho người khác.
- Sử dụng khăn lau mặt và khăn tắm riêng, sau khi sử dụng nên giặt bằng nước sôi.
- Đến các cơ sở y tế để được cách ly và điều trị đúng cách.
Lời khuyên: Cúm A H1N1 là dạng cúm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, công tác phòng tránh nên được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, nếu có những dấu hiệu nghi ngờ bị cúm A H1N1 phải đến cơ sở y tế để chữa trị ngay.
Xem nội dung bài viết nhanh hơn tại video này:
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: