Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Bác sĩ Lê Hồng Nga: Không nên đưa trẻ đi học khi mắc tay chân miệng

(VOH) - Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM phỏng vấn bác sĩ Lê Hồng Nga – Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm – Trung tâm Y tế dự phòng TP lưu ý về bệnh tay chân miệng.

Theo thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ đầu năm đến ngày 7/9, Thành Phố đã có hơn 3500 trường hợp mắc tay chân miệng, bằng với cùng kỳ 2016.

Hiện nay là thời điểm đầu năm học mới, cũng là lúc bắt đầu gia tăng dịch bệnh này, đặc biệt trong nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo. Sự phối hợp giữa y tế - giáo dục nhằm chủ động giám sát, khống chế kịp thời những trường hợp mắc tay chân miệng là rất quan trọng để giúp dịch bệnh không lây lan trên diện rộng.

Trẻ nhập viện điều trị tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới TPHCM. 

VOH: Thưa bác sĩ, vì sao vào mùa tựu trường, ngành y tế thường khuyến cáo tay chân miệng có khả năng bùng phát nhất là khu vực trường mầm non, nhà trẻ, mẫu giáo?

Bác sĩ Hồng Nga: Ngành y tế xác định rằng đối tượng nguy cơ cao nhất mắc bệnh lý này là trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh hiếm gặp hơn ở độ tuổi trên 5 và càng hiếm gặp ở người lớn. Do đó cứ vào mùa tựu trường là Bộ Y tế khuyến cáo tăng cường giám sát bệnh tay chân miệng trong môi trường nhà trẻ, mẫu giáo và mầm non.

Theo giám sát dịch tễ định kỳ hàng năm thì thường có 2 đợt dịch tay chân miệng, đợt đầu vào tháng 3, tháng 4 và đợt 2 vào tháng 8, tháng 9 trùng hợp với mùa tựu trường. Thời điểm này trẻ bắt đầu tập trung tại trường, nguy cơ tiếp xúc và mắc bệnh nhiều hơn nên kiểm soát tay chân miệng trong trường học cần đặc biệt quan tâm

VOH: Bác sĩ ghi nhận tình hình tay chân miệng đến nay như thế nào?

Bác sĩ Hồng Nga: Theo giám sát tay chân miệng, đầu năm đến nay tích lũy hơn 3000 ca, số biến động tay chân miệng nhập viện không nhiều, khoảng 120 ca nhập viện/tuần. Ghi nhận chưa có sự biến động .

VOH: Học sinh bắt đầu nhập học như vậy tại khu vực nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo, ngànhy tế sẽ chủ động giám sát như thế nào?

Bác sĩ Hồng Nga: Việc kiểm soát bệnh này trong trường học nói chung cũng như tại trường nhà trẻ, mầm non nói riêng là việc làm thường quy phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Y tế TP từ nhiều năm nay.

Cứ đến thời điểm tháng 8 chuẩn bị trẻ đi học thì ngành y tế phối hợp ngành giáo dục tổ chức tập huấn về kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học, trong đó tập trung nhất là kiểm soát tay chân miệng trong trường học cho tất cả đối tượng là Ban giám hiệu, giáo viên, bảo mẫu. Bên cạnh đó, các Trung tâm Y tế cũng tổ chức các đợt vệ sinh khử khuẩn với các trường mầm non, nhà trẻ trên địa bàn kể cả công lập và ngoài công lập.

Các quận và ngay cả Trung tâm Y tế dự phòng cũng tổ chức các đợt giám sát cho hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học đầu năm học mới, kèm theo là dự trù hóa chất vệ sinh khử khuẩn, tập huấn giáo viên, tổ chức theo dõi phát hiện bệnh trong trường

VOH: Thưa bác sĩ, tại những nơi có nguy cơ xảy ra bệnh cao như nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo vai trò giáo viên sẽ rất quan trọng vì chính họ là người đầu tiên phát hiện, kịp thời cách ly khi phát hiện trẻ bệnh. Vậy giáo viên đã được tập huấn, cập nhật kiến thức như thế nào để đạt hiệu quả cao giám sát được dịch bệnh tay chân miệng kể cả công lập lẫn tư thục thưa bác sĩ?

Bác sĩ Hồng Nga: Mới đây nhất về phía Trung tâm Y tế dự phòng TP đã tổ chức một lớp tập huấn cho các bộ phụ trách y tế học đường cũng như cán bộ phòng chống dịch ở tất cả Trung tâm Y tế quận về sức khỏe học đường, trong đó nhấn mạnh trọng tâm là phòng chống dịch. Anh chị em này sẽ tổ chức tập huấn lại cho Ban giám hiệu, giáo viên, bảo mẫu, ưu tiên nhà trẻ, mẫu giáo phải tập huấn được 100% giáo viên, bảo mẫu.

Chúng tôi hướng dẫn nội dung cô đọng, chủ yếu làm sao hướng dẫn cho giáo viên cách phát hiện trẻ bệnh trong trường học, tư vấn phụ huynh hiểu khi có trẻ bệnh không nên đưa trẻ đến trường và các biện pháp vệ sinh khử khuẩn.

Các đoàn giám sát sẽ kiểm tra công tác này được thực hiện tại các trường như thế nào, nếu chưa đạt yêu cầu sẽ hướng dẫn tận tay. Nếu phát hiện trẻ  nào bị bệnh tay chân miệng nghỉ học hoặc phát hiện bệnh tại lớp phải báo ngay cho ngành y tế để chống dịch kịp thời.

VOH : Cảm ơn bác sĩ