Bài tập trị thoái hóa cột sống cổ

(VOH) - Một tài xế được chẩn đoán bị thoái hoá cột sống cổ do nghề nghiệp. Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bay, đại học Y dược TPHCM tư vấn.

Đọc giả có thể nghe hoặc đọc chi tiết 

Thoái hoá đốt sống cổ là gì ?

Các đốt sống cổ là bộ phận thường xuyên vận động nên dễ gây ra hiện tượng thoái hóa đốt sống cổ. Tình trạng viêm dày và lắng tụ can-xi ở các dây chằng dọc cổ, gây hẹp các lỗ ra của rễ thần kinh gây mỏi, tê, đau, điều này còn có thể đưa đến sự thoát vị của các nhân đĩa đệm chèn vào tuỷ sống.

Việc điều trị sớm bệnh là rất cần thiết, nhằm giảm đi các triệu chứng khó chịu mà thoái hóa cổ mang lại cho bệnh nhân.

Triệu chứng của thoái hóa cột sống cổ:

Các triệu chứng và mức độ nặng nhẹ ở mỗi người rất khác nhau nhưng thường thì có dấu hiệu chung sau đây:

- Giai đoạn đầu: Bệnh nhân lúc đầu cảm thấy cổ cứng, khó xoay chuyển, có dấu hiệu hơi đau khi cúi xuống. Theo thời gian, cơn đau lan xuống vai, đau khớp cổ và vai.

- Giai đoạn 2: Đau đầu không rõ nguyên nhân, các động tác cổ bị vướng và đau, có thể thỉnh thoảng bị vẹo cổ. Có những lúc cơn đau kéo dài từ gáy lan ra tai, đau lan ra đầu.

- Giai đoạn 3: Nhức đầu ở vùng chẩm, vùng trán, đau từ gáy lan xuống bả vai; đau một bên cánh tay hay cả hai bên cánh tay. Mất cảm giác hoặc khó điều khiển thao tác của bàn tay; bị tê hai cánh tay. Điều trị trễ có thể gây biến chứng nặng, có thể bị liệt.

Điều trị:

Việc điều trị bằng cách uống thuốc thường không phát huy hiệu quả với phần lớn các bệnh về cơ, xương khớp. Các toa thuốc trong trường hợp này thường mang tính giảm đau khi và hỗ trợ kháng viêm chứ không trị dứt điểm được căn bệnh.

Với thoái hóa đốt sống cổ, phương cách điều trị phổ biến và hiệu quả là vật lý trị liệu thông qua các bài tập vận động cơ, xương, khớp kết hợp sử dụng thiết bị hỗ trợ nhằm nâng cổ cao và giữ thẳng đốt sống. Song song đó, các y bác sĩ thường khuyên người bệnh nên điều trị kết hợp với liệu pháp châm cứu.

Một số phương cách chữa thoái hóa đốt sống cổ:

Đầu tiên, người được chẩn đoán mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ cần tuân theo phác đồ điều trị của y bác sĩ. Nên thường xuyên đeo đai cổ trong thời gian chữa bệnh, điều này nhằm nâng cao đoạn cột sống cổ, giữ thẳng các đốt sống để giảm áp lực lên lỗ liên hợp, tránh kích ứng lên rễ thần kinh gây cảm giác đau nhức. Uống thuốc đầy đủ và đúng liều để giảm triệu chứng đau và bổ sung các chất cần thiết hỗ trợ cho điều trị.

Ngoài ra, có thể kết hợp một số biện pháp hỗ trợ như tăng cường tập thể dục, vận động các bộ phận vai, tay, các động tác xoay đầu, cổ theo hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu.

Không nên nằm gối cao khi ngủ. Người bệnh cũng có thể may một chiếc túi vải có dây kéo trên miệng, buổi tối (trước khi ngủ) bỏ một ít muối hột đã rang nóng vào túi, dùng kê đầu thay gối. Biện pháp này giúp giãn cơ, tăng cường máu huyết lưu thông, giúp giảm đau nhức, tăng khả năng phục hồi.

Bài tập điển hình cho người mắc thoái hóa cột sống cổ:

1. Động tác 1: Ngồi thẳng người trên ghế, thả nhẹ 2 cẳng chân, đùi vuông góc với thân, lưng thẳng. Hai vai giữ nguyên cúi gập cằm tối đa vào ngực, hít sâu vào - Khi thở ra ngửa cổ ra tối đa. Đưa đầu trở về tư thế bình thường, nghiêng đầu sang trái, rồi sang phải (kết hợp hít vào thở ra đều đặn). Làm từ 10 đến 20 lần.

2. Động tác 2: Vẫn ngồi ở tư thế trên, giữ nguyên vai, gập đầu vuông góc với thân và quay tròn cổ theo kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ (kết hợp hít vào thở ra đều đặn). Làm từ 10 đến 20 lần.

3. Động tác 3: Nằm ngửa trên mặt sàn cứng, hai tay xuôi theo thân, lấy phần cao nhất của mông và phần nhô cao nhất của đầu (phía sau) làm điểm tựa nâng vai và thân lên như hình cái thuyền (hít vào thở ra đều đặn). Làm từ 10 đến 20 lần.

4. Động tác 4: Nằm ngửa trên mặt sàn cứng chống hai chân, hai bàn tay bắt chéo nhau đưa ra sau gáy. Dùng sức của cổ và hai tay đưa đầu về phía đầu gối của hai chân (hít vào thở ra đều đặn). Làm từ 10 đến 20 nhịp.

5. Động tác 5: Nằm ngửa trên mặt sàn cứng, hai chân co, bắt chéo chân (gót chân nọ để trên gối chân kia) hai bàn tay đan chéo vào nhau đưa ra sau gáy đưa khuỷu tay bên này về phía gối bên đối diện (bắt chéo). Hít vào thở ra đều đặn, làm từ 10 đến 20 nhịp.

6. Động tác 6: Nằm ngửa trên mặt sàn cứng, hai tay xuôi theo thân. Dùng sức của cổ và lưng đưa thân về phía trước, áp mặt càng sát hai đầu gối càng tốt. Hít vào thở ra đều. Làm 10 nhịp.

Để đạt kết quả tốt, cần kiên trì luyện tập thường xuyên. Trong khi tập cần tạo được cảm giác thoải mái dễ chịu. Nếu quá sức hoặc thấy đau thì nên ngừng lại.