Thắc mắc của thính giả:
Bấm huyệt thường áp dụng trong những bệnh lý nào? Trong trường hợp đó bấm huyệt mang lại hiệu quả như thế nào? Nhờ bác sĩ giải đáp.
PGS.TS Bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) giải đáp:
Bấm huyệt là hình thức không dùng kim, nhưng dùng sức nặng của ngón tay để day ấn trên vị trí huyệt vị. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, huyệt vị là vị trí tập trung rất nhiều mạch máu, dây thần kinh, đặc biệt người ta đo được điện trở da ở huyệt vị rất thấp.
Khi kích thích vào vị trí huyệt vị sẽ làm thay đổi về sinh học, kích hoạt cơ thể sản sinh ra những thành phần các chất. Người ta cũng đã nghiên cứu thấy các chất được sinh ra gồm Serotonin, Norepinephrine, Noradrenalin, những tiền chất Morphine. Mà chúng ta biết, Morphine là chất giúp giảm đau hiệu quả.
Bấm huyệt có tác dụng gì? (Nguồn: Internet)
Khi chúng ta bấm huyệt đúng và đủ sẽ giúp sản xuất ra những thành phần đó giúp giảm đau rất tốt.
Trong tất cả các trường hợp đau nhức thì đều có thể bấm huyệt để giảm đau. Tùy vào bệnh lý đau nhức mà chúng ta bấm ở các vị trí huyệt vị cần thiết.
Bấm huyệt ngoài giảm đau nhức, còn giúp hệ thống cơ mạnh hơn. Ví dụ như nếu bị liệt, các cơ bị yếu đi, không thể cầm nắm, thì khi bấm huyệt sẽ làm tăng sức mạnh của lực cơ, giúp phục hồi vận động, người bệnh có thể đi lại được.
Ngoài ra, khi bấm huyệt ở một số vùng nhất định, sẽ giúp tăng cường lưu thông máu huyết. Từ đó, máu sẽ nuôi dưỡng cơ thể được tốt hơn. Như vậy, với lý thuyết này, bấm huyệt có thể chỉ định trong các trường hợp mắc bệnh nội khoa. Tuy nhiên, khi bấm cần lựa chọn các huyệt vị thích hợp với từng bệnh lý. Nếu trên da bị tổn thương (mụn nhọt, mụn mủ, eczema), bệnh ngoài da có nhiễm trùng thì không nên bấm huyệt chỗ đó vì dễ làm bội nhiễm thêm, lây lan tình trạng viêm nhiễm sang vị trí khác. Trừ các trường hợp này thì hầu hết bấm huyệt không có bất cứ chống chỉ định nào.
Bạn có thể nghe lại chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: