Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Úc cho biết, bé gái 2 tuổi giấu tên đã được đưa đến Bệnh viện Prince of Wales ở Randwick, New South Wales sau 3 tuần buồn nôn, nôn mửa và có các triệu chứng giống cảm lạnh.
Chỉ 6 tháng trước khi xuất hiện các triệu chứng, cô bé đã hoàn thành đợt hóa trị thứ hai để kiểm soát bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính tế bào tiền B (ALL).
Tình trạng của bé gái tiếp tục trở nên tồi tệ hơn và trong vòng 4 ngày, bé phát triển hội chứng động kinh liên quan đến nhiễm trùng do sốt (FIRES) và bắt đầu bị động kinh.
Các bác sĩ đã thực hiện vô số xét nghiệm, bao gồm chụp cộng hưởng từ (MRI), đánh giá khả năng tự miễn dịch, đánh giá các bất thường về di truyền và xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) để kiểm tra mầm bệnh vi khuẩn, nấm, virus hoặc mycobacteria. Tất cả đều không cho thấy điều gì đáng lo ngại.
Bé gái được cho dùng thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh và thuốc chống động kinh để giúp điều trị sưng não và giảm bớt sự khó chịu, nhưng không có gì làm dịu các triệu chứng khi não bé tiếp tục sưng lên.
Cô bé qua đời 27 ngày sau khi nhập viện.
Sau khi cô qua đời, các xét nghiệm y tế cho thấy, cô bé mang một chủng virus paramyxovirus-1 APMV-1 nghiêm trọng ở gia cầm, gây ra bệnh Newcastle.
Bệnh Newcastle là một bệnh do virus rất dễ lây lan và gây tử vong, ảnh hưởng đến chim và gia cầm - điển hình là chim bồ câu - và được đặt tên theo thành phố nơi bệnh được xác định lần đầu tiên vào năm 1926.
Các chuyên gia y tế kết luận, bé gái chết vì sưng não do nhiễm trùng, bắt đầu từ mũi hoặc miệng do có thể tiếp xúc với phân hoặc chất lỏng của chim bồ câu bị nhiễm bệnh. Có thông tin cho rằng cô bé không hề cố ý tiếp xúc với bất kỳ động vật hay bệnh tật nào hoặc thậm chí không đi du lịch.
Cho tới nay, 485 trường hợp nhiễm bệnh ở người đã được báo cáo trên toàn cầu, trong đó hơn một nửa được ghi nhận ở Anh và cho đến nay chỉ có 5 trường hợp tử vong ở Úc, Hà Lan, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Pháp.
Trong một số ít trường hợp, bệnh lây nhiễm sang người và thường chỉ gây viêm kết mạc, thường được gọi là “đau mắt đỏ”.