Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Minh Hằng, nguyên Phó trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, gần đây, một bé gái khoảng 10 tuổi khi vui chơi đã leo lên cột trụ cao, té xuống và đập mặt vào gốc cây mục.
Sau khi sự việc xảy ra, vì thấy mặt bé chỉ có một vết thương nhỏ, người nhà chủ quan không đưa đi khám ngay.
Tuy nhiên chỉ vài ngày sau, vết thương làm bé sưng đau rất nhiều và chảy mủ. Thời điểm bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1, ekip điều trị tiến hành kiểm tra và phát hiện có 20 mảnh gỗ mục cắm vào mặt bé.
Sau khi lấy các dị vật, bác sĩ siêu âm lại kỹ lưỡng để chắc chắn không còn mảnh gỗ nào. Đến nay, khuôn mặt bệnh nhi đã dần phục hồi.
Thông thường khi trẻ bị té, phụ huynh sẽ lo lắng việc trẻ có bị gãy tay, chân hay không mà quên mất kiểm tra các dị vật. Tuy nhiên, các dị vật như gốc cây mục rất bẩn, chứa nhiều vi khuẩn. Trẻ càng lớn, càng nặng thì khi té, lực tác động sẽ càng nhiều hơn.
Bác sĩ dẫn chứng trường hợp của một bé trai khác cũng bị các mảnh cây cắm vào người sau tai nạn. Dù các bác sĩ cố lấy gần như toàn bộ "vật thể lạ" ra ngoài nhưng một thời gian rất dài, bé vẫn không hết nhiễm trùng vùng hàm mặt.
Lúc này, các chuyên gia về siêu âm phải rà soát gần 2 giờ mới phát hiện một mảnh cây dài 2cm nằm sâu trong cung gò má của trẻ. Sau khi lấy dị vật, bệnh nhi mới dần ổn định. Dù vậy, việc nhiễm trùng hàm mặt sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều về mặt thẩm mỹ.
Bác sĩ Hằng cho biết, có những tình huống trẻ đang leo trèo thì người lớn phát hiện, hét lên, khiến trẻ té xuống vì hốt hoảng. Vì vậy, trong những tình huống này, phụ huynh cần hết sức bình tĩnh, giải thích để trẻ cẩn thận leo xuống.
Khi tai nạn đã xảy ra, phụ huynh tuyệt đối không bế xốc con lên. Cần kiểm tra xem trẻ có chấn thương cột sống cổ hay không rồi tiến hành nẹp, băng ép và đưa trẻ đi bệnh viện.
Về lâu dài, phụ huynh phải giáo dục để con nhận biết những tình huống nguy hiểm mà tự tránh, để không xảy ra những tai nạn đáng tiếc.