Bé không chịu bú mẹ thì phải làm sao?

(VOH) - Trẻ sơ sinh không chịu bú mẹ là một trong những nỗi lo lắng của nhiều bậc cha mẹ, vì trẻ trong 6 tháng đầu đời sữa mẹ là nguồn thức ăn duy nhất. Vậy mẹ cần làm gì nếu bé không chịu bú mẹ?

Câu hỏi thính giả

Em có bé trai được 2 tháng rưỡi, bé bú sữa mẹ hoàn toàn, tuy nhiên có một điều, mỗi khi bồng bé lên cho bé bú chưa đầy 2 phút bé đã ngủ nên em đã cho bé bú bình là chủ yếu. Thời gian trước đây, mỗi khi cho bé bú mẹ dù bé có khóc nhưng cũng bú được vài hơi, nhưng thời gian gần đây mỗi lần bé ngậm vú mẹ thì thường hay bị ói, mới đưa bé vào gần mẹ nặn vài giọt sữa thì bé cũng đã nôn ra hết sữa cũ. Vì thế, em mong bác sĩ có thể tư vấn giúp em cách nào để bé không bị ói khi ngậm ti mẹ. Em cám ơn bác sĩ!

be-khong-bu-me-thi-phai-lam-sao-voh

Mẹ phải làm gì khi bé không chịu bú mẹ (Nguồn: Internet)

Bác sĩ Đào Thị Yến Phi (Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, Trường đại học Phạm Ngọc Thạch) tư vấn tình trang bé không chịu bú mẹ:

Trong trường hợp này, việc bé không chịu bú mẹ có lẽ là do bé đã sợ vú mẹ, vì theo như chị chia sẻ thì những lúc bé bú bình, bé không hề có những phản ứng tương tự. Chúng ta điều biết, tất cả những phản ứng của trẻ sơ sinh đều có ảnh hưởng đến hệ thần kinh, sau đó nó gây ra các triệu chứng tiếp theo như gây co thắt đường thực quản và dạ dày hoặc gây ra các co thắt cơ dẫn đến hiện tượng nôn ói.

Tôi không biết là trước đây khi chị cho bé bú mẹ, bé có từng bị sặc sữa mẹ hoặc ngạt thở khi bú mẹ hay chưa, bởi vì những ý thức đầu tiên được hình thành trong hệ thần kinh của bé thường rất mạnh và rất dai dẳng. Nếu như bé đã từng bị sặc khi bú mẹ hoặc tư thế mẹ cho bé bú không đúng khiến bé bị ngạt thở, thậm chí bé cảm giác sữa mẹ xuống nhanh quá khiến bé sặc sữa cũng có thể khiến bé sợ và không muốn bú mẹ nữa.

Vì thế, trong trường hợp này nếu chị muốn khắc phục tình trạng bé không bú mẹ trực tiếp thì chị cần phải tập lại thói quen bú của bé. Cụ thể:

  • Chị cần cho bé bú trong một không gian yên tĩnh, thoáng mát, sạch sẽ, ít người qua lại.
  • Không cho bé bú trong khoảng thời gian bé gần đi ngủ. Tốt nhất là nên cho bé bú vào thời điểm bé vừa ngủ dậy được khoảng 5 – 10 phút vì đây là thời điểm bé thường khát nước.
  • Chị cần phải học cách cho bé bú đúng tư thế, tức là người mẹ cần phải ngồi trong lúc cho con bú. Một cánh tay của mẹ sẽ để dọc theo lưng của bé, bàn tay đỡ phần mông bé (độ dốc cơ thể bé khoảng 30 độ). Mẹ nâng mông bé làm sao để mặt của bé có thể áp trực tiếp vào vú mẹ. Bàn tay còn lại của mẹ giữ phần núm vú, sao cho đầu ti mẹ nằm trong miệng con nhưng mũi của bé không bị bịt bởi bầu ngực mẹ.
  • Sau khi mẹ cảm nhận được dòng sữa đã xuống thì mẹ cần phải dùng hai đầu ngón tay kẹp phần núm ti lại để sữa xuống từ từ, vừa với tốc độ bú của con.

Lưu ý: Có nhiều bà mẹ khi thấy bé ngậm núm ti quá sâu liền sợ và hay kéo núm ti ra. Tuy nhiên, một em bé bú đúng tư thế là bé sẽ ngậm hết phần đầu đi tới quầng vú mẹ. Việc mẹ kéo đầu ti ra sẽ khiến sữa khi ra sẽ xịt thành tia vào trong họng của trẻ và việc này dễ khiến bé nổi cáu, khó chịu.

Ngoài ra, chị cũng không nên cáu kỉnh, stress khi thấy bé không chịu bú mẹ. Bởi vì đôi khi mẹ và bé chưa thật sự hiểu nhau nên dẫn đến thông điệp giữa 2 mẹ con chưa được thông suốt.

Vì thế chị nên nhớ, cần phải giữ cho tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng, mệt mỏi dẫn đến mất sữa mẹ. Nếu bé bú mẹ được thì cho bé bú, không được thì chị vắt sữa mẹ cho bé bú bình, sau đó tập lại thói quen bé bú mẹ. Chị có thể nói chuyện với bé, cười đùa cùng bé để thắt chặt thêm tình cảm mẹ con và cũng giúp bé tập trung sự chú ý nhiều hơn khi bú mẹ, đồng thời bé cũng sẽ đỡ buồn ngủ hơn khi bú.

Nên nhớ luyện tập cho bé thói quen bú sữa mẹ khi bé đã sợ vú mẹ là một việc làm cần có thời gian và sự kiên nhẫn. Nếu mẹ không chịu khó, kiên trì, không có sự tương tác với con thì điều đó có thể khiến bé không được tập luyện khả năng bú mẹ, từ đó dễ dẫn đến việc bé không biết bú mẹ là như thế nào?.

Bạn có thể nghe lại toàn bộ chia sẻ của bác sĩ  Đào Thị Yến Phi tại audio bên dưới: