1. Chlamydia là gì?
Chlamydia trachomatis là một vi khuẩn khá đặc biệt vì nó tương tự như siêu vi trùng (virus), nó không có khả năng phát triển bên ngoài tế bào sống.
Nhiễm vi khuẩn Chlamydia sẽ gây ra bệnh Chlamydia, đây là một trong những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục phổ biến, ảnh hưởng cả nam và nữ giới. Nếu không phát hiện và chữa trị sớm, bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ phận sinh dục, thậm chí là gây vô sinh ở cả 2 giới.
Bệnh Chlamydia lây truyền qua đường tình dục (Nguồn: Internet)
2. Ai có nguy cơ mắc bệnh Chlamydia?
Bất cứ ai quan hệ tình dục không an toàn đều có nguy cơ nhiễm Chlamydia. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra cao hơn ở những người trẻ tuổi. Điều này là do những hành vi và những nguy cơ sinh học phổ biến ở giới trẻ.
Những người đồng tính nam có nguy cơ bị Chlamydia lây lan qua việc quan hệ đường miệng hoặc hậu môn.
Phụ nữ mang thai bị nhiễm Chlamydia có thể truyền bệnh cho bé trong quá trình sinh nở. Căn bệnh này có thể gây nhiễm trùng mắt hoặc viêm phổi ở trẻ sơ sinh. Chlamydia cũng gây nguy cơ sinh non ở mẹ bầu.
3. Biểu hiện của bệnh Chlamydia
Rất khó nhận biết bệnh Chlamydia ở giai đoạn đầu, bởi có khoảng 50% trường hợp nhiễm Chlamydia không có biểu hiện gì đặc biệt. Điều này khiến người bệnh dễ bỏ qua và dễ dàng lây truyền bệnh tiếp tục cho những bạn tình khác.
Thời gian ủ bệnh thường là 5 – 15 ngày. Nếu chú ý quan sát những biểu hiện của cơ thể thì người bệnh có thể chủ động nhận biết sớm hơn. Các biểu hiện dễ nhận biết khi bị nhiễm vi khuẩn Chlamydia gồm có:
3.1. Ở nữ giới
Chú ý quan sát những biểu hiện bất thường của cơ thể để sớm nhận biết bệnh Chlamydia (Nguồn: Internet)
- Tiểu buốt hoặc muốn đi tiểu nhiều lần.
- Âm đạo tiết dịch bất thường.
- Ngứa và rát âm đạo.
- Đau bụng hoặc đau khi quan hệ tình dục, đau nhiều hơn khi có kinh.
3.2. Ở nam giới
- Dương vật tiết dịch hơi trắng hay vàng.
- Bỏng rát khi tiểu.
- Rát và ngứa quanh bao quy đầu.
- Đau ở hậu môn hay tinh hoàn hoặc khi xuất tinh.
Những triệu chứng này thường xuất hiện sau 1 – 3 tuần sau khi bạn bị nhiễm Chlamydia trachomatis.
4. Sự nguy hiểm của bệnh Chlamydia
Ở cả nam và nữ giới mắc bệnh Chlamydia đều có nguy cơ đe dọa đến khả năng sinh sản. Cụ thể:
4.1. Ở nữ giới
Nhiễm Chlamydia nếu không chữa trị, vi khuẩn có thể lan truyền và gây bệnh viêm vùng chậu, chúng lây nhiễm cổ tử cung, tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng và gây viêm. Biến chứng của những trường hợp này có thể dẫn đến vô sinh, thai ngoài tử cung hoặc đau vùng chậu mãn tính.
4.2. Ở nam giới
Bệnh Chlamydia ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới (Nguồn: Internet)
Biến chứng chủ yếu khi nhiễm Chlamydia là viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn. Những căn bệnh này cũng có thể dẫn đến vô sinh. Một số nghiên cứu đang xem xét ảnh hưởng của Chlamydia lên chất lượng tinh trùng.
Nhìn chung, Chlamydia là bệnh rất phổ biến và có khoảng 131 triệu người trên thế giới mắc bệnh mỗi năm. Tỷ lệ mắc bệnh Chlamydia nhiều hơn 3 lần so với bệnh lậu và giang mai, mặc dù đây cũng là 2 căn bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến.
Tuy Chlamydia gây ra các biến chứng nguy hiểm như nếu phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ thì bạn có thể thoát khỏi căn bệnh này. Những trường hợp đã bị biến chứng thì việc điều trị sẽ khó khăn và tốn kém hơn.
5. Điều trị Chlamydia bằng cách nào?
Chlamydia có thể dễ dàng bị loại bỏ bằng thuốc kháng sinh. Do đó, khi có sau khi có dấu hiệu nghi ngờ bị nhiễm Chlamydia thì bạn nên đi khám, làm xét nghiệm để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.
Bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh cho bạn và bạn tình của mình sử dụng trong khoảng 5 – 10 ngày. Trong một số trường hợp, có thể mất 2 tuần dùng thuốc kháng sinh mới có thể điều trị hoàn toàn bệnh Chlamydia.
5.1. Lưu ý:
- Trong quá trình điều trị không nên sinh hoạt tinh dục để ngăn chặn sự lây lan trở lại.
- Tuần theo các chỉ dẫn của bác sĩ một cách cẩn thận.
- Sau điều trị, nếu không thực hiện các biện pháp phòng tránh bạn vẫn có thể tái nhiễm bệnh Chlamydia trở lại.
6. Những biện pháp phòng bệnh Chlamydia
Những cách dưới đây có thể giúp bạn hạn chế bị lây nhiễm bệnh Chlamydia:
- Chung thủy: Nếu bạn và bạn tình của mình chỉ quan hệ với nhau và không có quan hệ với người khác thì khả năng lây bệnh sẽ giảm xuống.
- Quan hệ an toàn: Nên sử dụng bao cao su khi quan hệ, bao cao su sẽ giữ cho máu, dịch âm đạo và tinh dịch không truyền vi khuẩn cho người khác.
- Giữ vệ sinh vùng kín: Luôn giữ bộ phận sinh dục sạch sẽ, vệ sinh trước và sau khi quan hệ.
- Khám sức khỏe định kỳ: Phụ nữ nên đi khám phụ khoa 2 lần/năm để tầm soát các bệnh. Nam giới cũng nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục.