Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Bệnh đậu mùa khỉ là gì? Có vắc xin ngừa chưa?

(VOH) - Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện thêm ở nhiều quốc gia châu Âu.

Bệnh đậu mùa khỉ ở người chủ yếu gây ra các đợt bùng phát ở khu vực châu Phi và thường hiếm xuất hiện ở châu Âu. 

Virus đậu mùa khỉ có hai chủng chính là chủng Congo và chủng Tây Phi. Trong đó chủng Congo thường gây bệnh nặng hơn, với tỉ lệ tử vong khoảng 10%, và chủng Tây Phi là khoảng 1%.

đậu mùa khỉ
Da nổi mụn khi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh: NPR)

Căn bệnh này tương tự như bệnh đậu mùa ở người, và dễ dàng bị lầm tưởng là thủy đậu. Ca mắc bệnh đầu tiên đã được ghi nhận vào những năm 70 của thế kỷ trước tại CHDC Congo.

Bệnh này đã xuất hiện ở các nước Trung và Tây Phi, với phần lớn các ca mắc được ghi nhận ở Congo và Nigeria. Năm 2003, bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở Mỹ. Đến năm 2018, Anh cũng ghi nhận trường hợp ca nhiễm đầu tiên.

Các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện trong vòng từ 5 - 21 ngày kể từ khi nhiễm virus, bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, nổi hạch, nổi mụn phồng, ớn lạnh và mệt mỏi.

Nổi hạch là điểm khác biệt của đậu mùa khỉ so với những bệnh khác, có biểu hiện ban đầu tương tự như thủy đậu, sởi, đậu mùa thông thường. Giai đoạn thứ hai là phát ban trên da, thường biểu hiện trong một đến ba ngày kể từ khi bệnh nhân bị sốt. Phát ban có xu hướng tập trung nhiều ở mặt và tứ chi hơn là thân. Phát ban tiến triển tuần tự, từ việc rát da (chưa nổi mẩn) đến sẩn ngứa (các nốt mẩn nhô cao), sau đó là mụn nước (tổn thương dứa dịch bên trong) và mụn mủ (tổn thương chứa dịch vàng).

Đa số bệnh nhân đều trải qua các triệu chứng nhẹ và thường khỏe lại sau vài tuần. Hiện chưa có vắc xin đậu mùa khỉ, song giới chức y tế Anh cho biết vắc xin đậu mùa vẫn có hiệu quả.

Bệnh đậu mùa khỉ đang lan nhanh như thế nào?

Bệnh đậu mùa khỉ đã bất ngờ xuất hiện ở châu Âu sau khi Anh xác nhận ca mắc bệnh đầu tiên trong năm nay vào hôm 7/5. Tính đến thời điểm này, Anh đã ghi nhận ít nhất 7 ca nhiễm, 4 trường hợp gần đây xảy ra ở đồng tính nam hoặc đàn ông song tính luyến ái. Các bệnh nhân ở Anh mắc chủng đậu mùa khỉ Tây Phi.

Ngày 18/5, Bồ Đào Nha là quốc gia tiếp theo báo cáo 5 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. 5 ca bệnh của nước này nằm trong số 20 ca nghi nhiễm và hiện tất cả đều trong tình trạng ổn định. Ngày 19/5, Bồ Đào Nha công bố thêm 9 ca mắc mới, nâng tổng số ca đậu mùa khỉ ở nước này lên con số 14.

Cũng trong ngày 19/5, Ý, Thụy Điển cùng báo cáo các ca đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ. Canada thông báo đang điều tra 17 trường hợp nghi mắc đậu mùa khỉ. Mỹ cũng báo cáo một 1 mắc, Anh cũng đã ghi nhận 9 ca mắc đậu mùa khỉ.

đậu mùa khỉ
Virus đậu mùa khỉ dưới kính hiển vi. (Ảnh: CDC)

Các đợt bùng phát gây lo ngại cho chuyên gia và giới chức y tế vì trước đó, mầm bệnh chủ yếu xuất hiện tại khu vực phía Tây và trung tâm châu Phi, ít khi lây lan rộng rãi.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phối hợp với giới chức y tế Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) để đánh giá về bệnh đậu mùa khỉ. Việc theo dõi việc tiếp xúc để bảo đảm rằng không có thêm sự lây truyền từ người sang người, cũng như truy ngược tiếp xúc để hiểu rõ hơn về nguồn lây nhiễm của các ca bệnh.

Chủng đậu mùa khỉ lần đầu được tìm thấy ở khỉ vào năm 1958. Hiện nay, động vật gặm nhấm là nguồn lây chính. Tại châu Phi, virus đậu mùa khỉ được tìm thấy ở các loại động vật như sóc, chuột và nhiều loài khác. Người dân thường mắc bệnh khi ăn thịt chưa nấu chín kỹ và sử dụng các sản phẩm từ động vật bị nhiễm bệnh.

Virus cũng lây lan trong quá trình tiếp xúc gần người mắc bệnh, thông qua dịch thể, các tổn thương ở da hoặc niêm mạc. Tuy nhiên, hiện tượng lây truyền từ người sang người tương đối hạn chế.

Đợt dịch ở Anh đang khiến giới chuyên gia ngạc nhiên, bởi các ca nhiễm không có bất cứ liên hệ nào với nhau. Chỉ trường hợp đầu tiên, phát hiện ngày 6/5 từng di chuyển đến khu vực virus còn lưu hành là Nigeria.

Bình luận