Bệnh nhân đầu tiên mắc đậu mùa khỉ ở TPHCM đã âm tính

(VOH) – Nữ bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ đi từ Dubai về đã khỏe mạnh, hết sốt, các bóng nước đã khô màu, tróc vảy, hiện đã có kết quả xét nghiệm âm tính.

Chiều ngày 4/10, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết tình hình sức khỏe của nữ bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ đi từ Dubai về đã khỏe mạnh. Cụ thể, nữ bệnh nhân đã hết sốt, các bóng nước ở mặt, tay, chân… đã khô mài, tróc vảy và lên da non, các bóng nước ở họng cũng lành, hết đau.

Bệnh nhân ăn uống tốt, lên cân, tinh thần lạc quan, tuân thủ tốt quy trình cách ly và xử lý vật dụng cá nhân tránh lây bệnh cho cộng đồng. 

Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân khi về Việt Nam chưa xuất hiện triệu chứng nghi ngờ. Đây là bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận đầu tiên tại Việt Nam.

Bệnh nhân đầu tiên mắc đậu mùa khỉ ở TPHCM đã âm tính 
Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở nước ta là chủng Monkeypox virus thuộc clade IIb.

Trước đó, nữ bệnh nhân (35 tuổi), thường trú tại TPHCM khởi phát bệnh ngày 18/9/2022 khi đang du lịch tại Dubai với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.

Về TPHCM, chị được lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 3/10, kết quả giải trình tự gene khẳng định bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ chủng Monkeypox virus thuộc clade IIb. 

Theo các chuyên gia dịch tễ hàng đầu tại Việt Nam, bệnh đậu mùa khỉ có dấu hiệu điển hình là sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Sau đó, cơ thể xuất hiện phát ban ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn và cơ quan sinh dục…

Bệnh lây khi tiếp xúc gần với người mắc, vật dụng cá nhân nhiễm mầm bệnh hoặc có thể lây từ mẹ sang con. Nếu nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần chủ động liên hệ các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị, tránh lây lan cho người xung quanh.

Để phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Sở Y tế TPHCM đã có kế hoạch chủ động cách ly kịp thời, khoanh vùng, giám sát hiệu quả người tiếp xúc gần với ca bệnh đầu tiên. 

Đến nay, WHO đã ghi nhận hơn 68.000 ca đậu mùa khỉ ở 106 quốc gia, vùng lãnh thổ, 25 ca tử vong. Trong đó, khu vực Tây Thái Bình Dương có một số nước ghi nhận ca bệnh gồm: Australia (136), Singapore (19), Trung Quốc (5), New Zealand (5), Nhật Bản (4), Philippines (4), Hàn Quốc (2), Guam (1), New Caledonia (1). Tổ chức Y tế thế giới đánh giá nguy cơ lây nhiễm toàn cầu ở mức trung bình, khu vực châu Âu và châu Mỹ ở mức cao, khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) ở mức thấp đến trung bình, các khu vực khác ở mức trung bình.