Theo Viện Pasteur TPHCM, từ đầu năm 2019 đến nay, tại 20 tỉnh khu vực phía Nam đã có gần 50.000 người mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), cao hơn cùng kỳ năm 2018 là 139% (20.707 người) và đã có 6 trường hợp tử vong. Trong đó, TPHCM là nơi phát hiện nhiều ca mắc nhất, tiếp theo là các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước,...
Riêng trên địa bàn TPHCM, theo thông báo (ngày 4/7) từ Trung tâm y tế dự phòng TPHCM, mùa dịch sốt xuất huyết năm 2019 mới bắt đầu và số ca mắc bệnh tăng hằng tuần. Theo đó, tháng 6 có 2.329 ca nhiễm bệnh, tăng 680 ca so với tháng 5 (1.649 ca). Tính từ đầu năm 2019 đến nay đã có 24.768 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 176% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, đã có 5 ca tử vong (3 người lớn, 2 thiếu niên), chỉ riêng tháng 6 là 2 ca.
Sốt xuất huyết đang lan nhanh ở nhiều tỉnh thành
Không được chủ quan với sốt xuất huyết
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết những bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tử vong thời gian qua đều do chủ quan, tự điều trị tại nhà, đến BV trễ vào ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh. Lúc này, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng quá nặng nên khó có thể cứu sống.
Trước tình hình trên, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã chỉ đạo Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP có kế hoạch kiểm tra, giám sát các trung tâm y tế quận huyện, đặc biệt là lịch phun thuốc và kỹ thuật phun phải đúng chuẩn; đẩy mạnh tuyên truyền đến từng phường, khu phố.
Trung tâm y tế dự phòng TP cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn hóa chất, trang thiết bị để ứng phó dịch SXH. Ngoài ra, Trung tâm y tế dự phòng TP cũng kêu gọi người dân nâng cao ý thức diệt muỗi, lăng quăng và đảm môi trường vệ sinh xung quanh khu vực nhà ở…
Các chuyên gia y tế cho biết, theo quy luật thông thường, thời điểm xuất hiện của bệnh sốt xuất huyết là từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm. Đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11. Tuy nhiên, nhiều khả năng là do thời tiết bất thường khiến đến thời điểm hiện nay bệnh đã bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc.
Dấu hiệu nhận biết bệnh Sốt xuất huyết
Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, người mắc bệnh SXH thường có biểu hiện sốt cao đột ngột 39 - 40oC, tình trạng sốt kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Bệnh nhân cũng sẽ có triệu chứng đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban ngoài da.
Ở thể bệnh nặng, người bệnh sẽ bị chảy máu mũi, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen do bị xuất huyết nội tạng, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng… Ngoài ra, trường hợp sốt xuất huyết khi mang thai có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả bà bầu và thai nhi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
“Nếu thấy các bé giảm sốt mà mệt mỏi nhiều hơn, đau bụng, có nhiều dấu hiệu xuất huyết bất thường trên cơ thể như từng chấm SXH ngoài da, chảy máu mũi, chảy máu răng, ói hoặc đi cầu ra phân đen, nếu bé gái dậy thì có sự xuất huyết âm đạo bất thường, kèm theo tay chân lạnh, vật vã thì phải nhanh chóng đưa đến BV gần nhất” - TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết- BV Nhi đồng 1 khuyến cáo.
Đặc biệt, đối với trẻ em béo phì hoặc người lớn thừa cân, khi mắc SXH, bệnh thường diễn tiến nặng hơn. 1/2 số ca tử vong năm ngoái xảy ra ở người có cơ địa béo phì, thừa cân. Phụ nữ có thai khi mắc SXH dễ sinh non, hư thai ở những tuần đầu tiên. Vì vậy, điều quan trọng đối với bệnh SXH là phải chẩn đoán sớm, đúng bệnh để có biện pháp theo dõi và điều trị kịp thời. Hiện đã có test kháng nguyên dễ dàng phát hiện SXH ngay từ những ngày đầu mắc bệnh.
Để tránh biến chứng nguy hiểm do SXH gây ra, khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh phải nhanh chóng đến BV để được khám, điều trị. Gia đình có người mắc bệnh cần thông báo cho trạm y tế địa phương để có giải pháp khoanh vùng, xử lý không để bệnh lây lan trên diện rộng.
Đặc biệt lưu ý, khi có trẻ em mắc bệnh, phụ huynh cần tránh nghe theo các kinh nghiệm dân gian hoặc các thông tin thiếu cơ sở khoa học. Hãy thực hiện chăm sóc trẻ sốt xuất huyết theo đúng hướng dẫn của người có chuyên môn, tuyệt đối tuân thủ các khuyến cáo trong việc điều trị sốt xuất huyết tại nhà.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết
Diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường sống là biện pháp hiệu quả nhất để phòng tránh sốt xuất huyết.
Về phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần thực hiện diệt lăng quăng ngay tại chính nơi ở, nơi làm việc của mỗi người, mỗi nhà, cơ quan, đơn vị. Điều đáng lo ngại, một bộ phận người dân chưa ý thức, thiếu hợp tác với chính quyền và ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch, nhất là chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ lăng quăng (bọ gậy).
Phun thuốc diệt muỗi góp phần giảm thiểu tác nhân lây truyền sốt xuất huyết
Các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Thả cá vào các hồ/ bể chứa nước lớn để diệt lăng quăng/bọ gậy.
- Lau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
- Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
- Phòng chống muỗi đốt:
- Mặc quần áo dài tay.
- Ngủ trong mùng kể cả ban ngày.
- Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
- Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
(VOH) - Mỗi năm, vào mùa mưa ẩm ướt là dịch sốt xuất huyết lại bùng phát, thậm chí số ca mắc bệnh còn có xu hướng gia tăng. Hiểu đầy đủ kiến thức về căn bệnh này là cách để phòng bệnh tốt nhất.